Monday, January 15, 2018

HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN

1. Một số quan niệm 
Hệ thống chính trị là khái niệm của khoa học chính trị đương đại – là một trong những khái niệm phản ánh đặc trưng của những quan hệ quyền lực chính trị; cũng như các bộ phận, các nhân tố tham gia vào các quá trình, quy trình chính trị trong thể chế chính trị dân chủ hiện đại. Liên quan đến vấn đề này có nhiều quan niệm khác nhau, phụ thuộc vào khuynh hướng, trường phái chính trị học khác nhau.
- HTCT là tổng thể các tổ chức chính trị của xã hội được chính thức thừa nhận về mặt pháp lý nhằm thực hiện quyền lực chính trị của xã hội đó. Hệ thống này bao gồm nhà nước, các chính đảng, các nghiệp đoàn và các tổ chức chính trị khác – trong đó, nhà nước là yếu tố cơ bản, trung tâm.
- HTCT là hệ thống các tổ chức mà thông qua đó giai cấp thống trị thực hiện quyền lực trong xã hội.
- Nhà chính trị học mỹ D. Easton, người được coi là nhà sáng lập lý thuyết về hệ thống chính trị, cho rằng Hệ thống chính trị giống như một bộ máy tự phát triển, tự điều tiết và phản ứng với tác động từ bên ngoài. Hệ thống đó có “đầu vào” và đầu ra.
- Một cách tiếp cận khác của nhà chính trị học G. Almond cho rằng hệ thống chính trị là các kiểu khác nhau của hành vi chính trị, của tổ chức nhà nước cũng như phi nhà nước.
Tóm lại: Hệ thống chính trị là tổ hợp có tính chỉnh thể các thể chế chính trị (đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội..) được xây dựng trên các quyền và các chuẩn mực xã hội, phân bố theo một kết cấu chức năng nhất định, vận hành theo những nguyên tắc, cơ chế và quan hệ cụ thể, nhằm thực thi quyền lực chính trị, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị

2. Cấu trúc của hệ thống chính trị
Theo cách tiếp cận hệ thống trong định nghĩa nêu trên, cấu trúc của hệ thống chính trị được chia ra các bộ phận, mỗi bộ phận là một tiểu hệ thống như:
- Các thể chế (tổ chức), còn gọi là tiểu hệ thống thể chế.
- Các quan hệ chính trị, còn gọi là tiểu hệ thống quan hệ.
- Các cơ chế, còn gọi là tiểu hệ thống cơ chế.
- Các nguyên tắc vận hành, còn gọi là tiểu hệ thống các nguyên tắc vận hành.
a) các thể chế tổ chức của HTCT bao gồm: Đảng chính trị, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các nhóm lợi ích khác. Phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như  chế độ chính trị, bối cảnh lịch sử và trình độ văn hóa mà vai trò của các tổ chức của HTCT có vai trò khác nhau trong từng xã hội nhất định. Trong đó nhà nước là trung tâm của hệ thống chính trị, là trụ cột của hệ thống chính trị, Đảng chính trị là cầu nối trung gian giữa nhân dân và nhà nước, là đại diện cho lợi ích của một giai cấp, một tầng lớp trong xã hội, còn các tổ chức chính trị xã hội khác tham gia tích cực vào công việc quản lý xã hội cùng nhà nước.
Như vậy, các thiết chế như nhà nước, đảng chính trị, tổ chức chính trị xã hội có vai trò vị trí nhất định, vậy chúng tương tác với nhau như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu b (nhỏ) các quan hệ chính trị.
b) các quan hệ chính trị (tương tác với nhau như thế nào?)
Các quan hệ chính là sự kết nối, tương tác giữa các thể chế, cấu trúc của hệ thống chính trị và giữa hệ thống chính trị với môi trường. Vai trò đặc biệt của các quan hệ chính trị là ở chỗ nó biểu đạt cân bằng lợi ích, sự trung lập, trạng thái thực tế chấp nhận được giữa các lợi ích, các nhóm, các giai cấp, các dân tộc trong một hệ thống quyền lực công cộng và nhân danh quyền lực công cộng để bảo vệ, duy trì sự cân bằng ấy.
Vì sao các mối quan hệ lại biểu đạt cân bằng lợi ích?
Vì bản chất của chính trị suy cho cùng là lợi ích, theo Aristotle, chính trị là cai trị với sự bằng lòng của người dân. Đạt được sự bằng lòng khi và chỉ khi lợi ích được cân bằng giữa các bên tham gia chính trị với nhau.
Quan hệ chính trị có những mối quan hệ chủ yếu sau:
- Quan hệ giữa các chủ thể quyền lực và người được ủy quyền. Đó là quan hệ giữa công dân và nhà nước, giữa đảng viên của một đảng chính trị với tổ chức đảng của họ, giữa thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội với  tổ chức của mình. Trong quan hệ này, các chủ thể quyền lực thường đóng vai trò quyết định hình thức tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức được ủy quyền. Các chủ thể được ủy quyền là người thực thi quyền lực.
Trong nền chính trị Việt Nam, Công dân Việt Nam ủy một phần quyền lực của mình cho Quốc hội thông qua các đại diện của mình là đại biểu quốc hội, để thay mặt nhân dân để thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao các hoạt động của nhà nước. Nhân dân phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia vào việc thực hiện các chính sách của nhà nước.
Quốc hội lập ra chính phủ và giao quyền hành pháp cho chính phủ để tổ chức thực thi hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của quốc hội, thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội...và các lĩnh vực đời sống xã hội khác. Như vậy Quốc hội là chủ thể quyền lực đối với chính phủ, chỉnh phủ phải chịu trách nhiệm trước quốc hội và trở thành cơ quan chấp hành của quốc hội.
- Quan hệ theo chiều ngang của hệ thống
Đây là mối quan hệ cùng cấp, giữa các thể chế cấp Trung ương với cấp Trung ương. Ví dụ giữa các cơ quan lập pháp tối cao (Quốc hội), hành chính tối cao (Chính phủ) và tư pháp tối cao (Tòa án tối cao), hoặc là mối quan hệ giữa bộ hoặc cơ quan ngang bộ với nhau, quan hệ giữa các chủ thể chính trị trong hệ thống. Đây là mối quan hệ vừa quy định vai trò chức năng của các thể chế chính trị vừa thống nhất, phối hợp hành động, vừa ràng buộc, kiềm chế lẫn nhau.
- Quan hệ dọc
Quan hệ giữa các cơ quan quyền lực Trung ương với các cơ quan quyền lực địa phương và cơ sở (theo chiều dọc). Bản chất của quan hệ này là phân cấp và phân quyền trong thực thi quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước sao cho đảm bảo sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia vừa tạo điều kiện cho sự năng động chủ động của các địa phương và cơ sở.
- Quan hệ bên trong và bên ngoài
Quan hệ hệ thống chính trị của một quốc gia với các hệ thống chính trị bên ngoài. Có thể có những quan hệ khác nhau giữa các thể chế độc lập của hệ thống chính trị. Nhưng quan trọng nhất, trong mối quan hệ này là quan hệ giữa các nhà nước quốc gia dân tộc với nhau. Đây cũng chính là quan hệ giữa hệ thống chính trị với các yếu tố của môi trường bên ngoài như hệ thống kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và đặc biệt quan hệ với các nhà nước quốc gia khác trên trường quốc tế.
Chúng ta vừa tìm hiểu 4 mối quan hệ chính trong hệ thống chính trị, cũng là 4 mối quan hệ chính giữa bộ phận của hệ thống chính trị. Vậy, các thành tố của hệ thống chính trị hoạt động như thế nào hay bằng cách thức nào? Chúng ta tìm hiểu cơ chế
c) cơ chế (cách thức hoạt động như thế nào?)
Cơ chế tổng hợp các phương thức vận hành của hệ thống chính trị. Cơ chế vừa phản ánh bản chất chế độ chính trị vừa chi phối các hoạt động của hệ thống. Có bốn cơ chế cơ bản sau:
- Cơ chế mệnh lệnh hành chính (đi kèm là một hệ thống công cụ cưỡng bức, trừng phạt). Cơ chế này có trong bất kỳ tổ chức nào của hệ thống chính trị, nhưng rõ nhất và mang tính đặc trưng là trong thực thi quyền lực nhà nước.
- Cơ chế thể chế (xây dựng hệ thống các tổ chức). Khi các tổ chức được đặt đúng vị trí, xác định rõ các chức năng vai trò nhiệm vụ của chúng, đồng thời các cơ chế, các quan hệ thông suốt, hệ thống chính trị vận hành đúng nguyên tắc… Khi đó quá trình thực thi quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước diễn ra như một quá trình tự nhiên, hệ thống chính trị tự hoạt động, tự điều chỉnh và tự hoàn thiện. ( liên hệ thuyết “chính danh – khổng tử”, phân chia tầng lớp của Platon,..)
- Cơ chế tư vấn là tổng hợp các phương thức làm thay đổi nhận thức của các đối tượng thực thi quyền lực để thay đổi hành vi của họ.
- Cơ chế kiểm soát quyền lực
Việc kiểm soát quyền lực có thể thực hiện trong tổ chức và trong quá trình thực thi quyền lực. Có các cơ chế kiểm soát từ bên trong bộ máy nhà nước (kiềm chế, chế ước giữa các cơ quan quyền lực), cũng có thể kiểm soát từ bên ngoài, như giám sát của nhân dân, các đảng chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội… Kiểm soát quyền lực là một đảm bảo cho các cơ quan quyền lực thực thi đúng thẩm quyền.
Đối với một số nhà nước tư bản phương tây, để kiểm soát quyền lực thì dùng “quyền lực đối trọng quyền lực, thực hiện cơ chế tam quyền phân lập. đối với nước ta, thì không có sự phân chia tam quyền phân lập mà quyền lập tập trung, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các ngành trong việc thực thi quyền hành, tư và lập pháp.
Bốn cơ chế nêu trên có thể được vận hành đồng thời, có thể riêng biệt tùy theo các quan hệ giữa chủ thể chính trị và đối tượng chịu tác động của quyền lực chính trị. Các cơ chế thể hiện được trình độ thuần thục của hệ thống và sự trưởng thành về văn hóa chính trị.
d) nguyên tắc vận hành (dựa trên cái gì để hoạt động)
Mỗi hệ thống chính trị có những nguyên tắc và cơ chế vận hành riêng. Dựa trên những nguyên tắc này mà các quan hệ, hành vi chính trị được định hướng và tạo thành một bộ phận hữu cơ của hệ thống. Cũng cần nói thêm rằng giữa “nguyên tắc” và “cơ chế” không có những bức tường thành ngăn cách. Nói cách khác giới hạn giữa các khái niệm đó chỉ là tương đối.
Ngày nay, chỉ trừ một số rất ít nước dưới chế độ quân chủ thế tập, hầu hết ở các nước đều phổ biến một số nguyên tắc sau:
- Quyền lực chính trị thuộc về nhân dân:
Nguyên tắc này khẳng định tính khách quan quyền lực của nhân dân với tư cách là chủ thể của quá trình lao động sản xuất xã hội, là những người sáng tạo ra các giá trị xã hội (nguồn gốc của quyền lực), ủy một phần quyền của mình thông qua những người đại diện để tổ chức và thực thi quyền lực chính trị quyền lực nhà nước(khế ước xã hội – rousseau).
- Ủy quyền có điều kiện và có thời hạn
Nguyên tắc này xác định ai là người có thể được ủy quyền và ủy quyền trong bao lâu. Để đảm bảo nguyên tắc này phải xây dựng thể chế bầu cử bao gồm lựa chọn các ứng viên, thể thức bầu cử và thủ tục truất quyền khi cần thiết.
Công dân Việt Nam ủy một phần quyền của mình cho đại biểu quốc hội trong thời hạn là 5 năm, thông qua bầu cử quốc hội.
Khi được chính phủ Pháp mời sang thăm chính thức nước Pháp, bác Hồ ký sắc lệnh số 82 ngày 29/5/1946 ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền chủ tịch chính phủ trong thời gian bác đi vắng. Trước ngày đi Pháp, bác mời cụ đến bàn công việc. Ông Cù Huy Cận (được bác cử tạm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ thay cho ông Hoàng Minh Giám đi dự Hội nghị Fontainebleau) kể lại: “Hôm đó, bên ấm trà nóng, cụ Huỳnh nói với bác Hồ: “Cụ đi vắng, ở nhà có nhiều việc khó khăn bất trắc xảy ra thì làm thế nào ?”. Bác Hồ nói ngay một câu: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”… Là một nhà nho, cụ Huỳnh đã hiểu toàn bộ ý tứ bác Hồ gửi gắm”.
- Nguyên tắc dân chủ
Nguyên tắc này thực chất là tạo các điều kiện kinh tế - xã hội và pháp lý để dân tham gia ngày càng nhiều và thực chất vào công việc của nhà nước và xã hội, tự quyết định vận mệnh của mình thông qua nhà nước, bằng nhà nước. Cũng cần nói thêm rằng, nội hàm của nguyên tắc dân chủ là tương đồng với nguyên tắc tập trung dân chủ.
Hồ Chí Minh nói: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”
Những biểu hiện cụ thể của nguyên tắc này là:
1. Công khai các hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là hoạt động của nhà nước.
2. Tạo điều kiện để dân tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về hoạt động của nhà nước.
3. Tạo điều kiện để dân bày tỏ nguyện vọng (dân chủ trực tiếp, gián tiếp).
4. Bầu cử tự do để nhân dân lựa chọn và bãi miễn các đại biểu, thể hiện ý chí; phải hỏi dân (trưng cầu dân ý) khi nhà nước muốn quyết định những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
5. Thiểu số phục tùng quyết định của đa số, đa số tôn trọng và bảo vệ thiểu số.
- Nguyên tắc tập trung -  phân quyền hợp lý
Đây là hai mặt của một vấn đề trong đời sống chính trị, không có tập trung quyền lực đủ mức thì không có quyền lực chính trị cũng như quyền lực nhà nước. Mặt khác, không thực hiện sự phân quyền (với các mức độ khác nhau như: phân lập, phân công, phân cấp, ủy quyền, tản quyền…) thì cũng không thể thực hiện được quyền lực chính trị hoặc quyền lực nhà nước. Tập trung (thống nhất) quyền lực thể hiện:
+ Lãnh thổ quốc gia dân tộc thống nhất.
+ Xã hội công dân thống nhất, trên đó xây dựng nhà nước.
+ Ý chí nhân dân được tổng hợp lại thành những văn bản (khế ước) có tính pháp lý hợp pháp (hiến pháp và pháp luật...) từ đây xây dựng những thể chế quyền lực thống nhất (cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan xét xử cao nhất...).
+ Thống nhất bởi đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền chi phối hệ thống chính trị bằng các phương thức chính trị như ảnh hưởng cương lĩnh, đường lối, nêu gương, tổ chức, vận động giáo dục...
Trên cơ sở những thống nhất trên đây, mà biểu hiện ra là tính đồng thuận, tính thỏa hiệp xã hội, sẽ thực hiện sự phân quyền. Sự phân quyền mà sắc thái của nó được các tác giả mô tả và nhấn mạnh rất khác nhau như "phân chia" "phân công" "phân quyền" "phân cấp" "tản quyền" v.v... Điều muốn nói đến giao cho các chủ thể khác nhau theo chiều ngang (Trung ương - Trung ương) hay theo chiều dọc (Trung ương - địa phương) những nhiệm vụ có tính chức năng của nhà nước (chức năng chính trị hoặc xã hội).
Vì vậy phân quyền là một biểu hiện tất yếu của chỉnh thể quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước trong tính phức tạp, đa dạng, trong trạng thái vận động của nó. Không có sự phân quyền, trong điều kiện xã hội hiện đại, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước sẽ không được thực thi.
Cần lưu ý là hệ thống chính trị ở mỗi nước khác nhau có thể có những mô hình, cấu trúc, vận hành khác nhau. Ở một số nước vấn đề tôn giáo rất đặc biệt, nhưng ở nhiều nước khác thì không đến mức như vậy. Vì thế về hệ thống chính trị không những có những quan niệm khác nhau mà còn có cách tổ chức và vận hành khác nhau. Mặc dù vậy, vấn đề hệ thống chính trị vẫn bị chi phối bởi những quy luật chung, có tính phổ biến, nếu không tuân thủ những yếu tố đó không thể hiểu các hệ thống chính trị cụ thể được.

3. Phân loại và chức năng của hệ thống chính trị
a) Phân loại hệ thống chính trị
- Dựa theo hệ tư tưởng chính trị phân chia thành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị tư bản chủ nghĩa
- Dựa theo số lượng đảng phái chia thành hệ thống chính trị đơn đảng và hệ thống chính trị đa đảng
- Dựa vào tính chất tham gia chính trị chia thành hệ thống chính trị độc tài và dân chủ
- dựa vào mức độ phân quyền và ủy quyền chia thành hệ thống chính trị tập trung quyền lực và hệ thống chính trị phân quyền.
- theo mô hình phân chia quyền lực nhà nước phân chia thành hệ thống chính trị đại nghị, tổng thống và hệ thống chính trị hỗn hợp
b) Chức năng hệ thống chính trị
- Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và con đường phát triển xã hội
- Tổ chức hoạt động của xã hội thực hiện những mục tiêu và chương trình đã được thông qua
- Hình thành ý thức chính trị và hướng dẫn các thành viên xã hội tham gia chính trị và hoạt động chính trị
- Đảm bảo an ninh bên trong và bên ngoài và sự ổn định của chế độ chính trị
- Phân bổ các giá trị vật chất và tinh thần
- Phối hợp giữa lợi ích nhà nước và cộng đồng xã hội
- Soạn thảo những quy tắc và luật lệ điều chỉnh hành vi con người và các nhóm trong xã hội.

- Kiểm soát việc thực hiện luật pháp và các quy tắc, ngăn chặn các hành vi hủy hoại chế độ chính trị

Tài liệu tham khảo: Tập bài giảng chính trị học  - Học viện chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: