Quyền lực làm con người ta tha hóa, quyền lực
tuyệt đối thì dẫn tới tha hóa quyền lực tuyệt đối. Đảng ta cũng đã chủ động, quyết liệt chặn tham
nhũng quyền lực. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói “Phải nhốt quyền lực
vào trong lồng quy chế lập pháp”. Như vậy, quyền lực chính trị là gì? Hay thế nào
là quyền lực chính trị?. Trong Khoa học chính trị đến nay vẫn chưa thể thống nhất
về khái niệm quyền lực chính trị, nó được nghiên cứu dưới nhiều góc độ, quan điểm
khác nhau.
Trong bài viết này, xin được giới thiệu một số quan điểm, cách tiếp cận
khác nhau về quyền lực chính trị:
- Quyền lực chính trị là quyền lực nhà nước. Quan điểm
này có mặt đúng là quyền lực chính trị về cơ bản là quyền lực nhà nước. Nhưng
quyền lực chính trị không chỉ là quyền lực nhà nước, mà còn bao gồm các yếu tố
khác của kiến trúc thượng tầng chính trị như quyền lực của đảng cầm quyền, của
các tổ chức chính trị nhân dân phi nhà nước, quyền lực của nhân dân...
- Quyền lực chính trị là quyền lực công cộng. Theo một
nghĩa nào đó thì quyền lực chính trị cũng là quyền lực công và thực thi quyền lực
chính trị bao giờ cũng thực hiện chức năng công quyền, chức năng xã hội. Nhưng
thực thi quyền lực chính trị còn là thực hiện sự thống trị chính trị của giai cấp.
Hai chức năng này không tách rời nhau trong việc thực thi quyền lực chính trị.
- Quyền lực chính trị là khả năng áp đặt thực thi các giải
pháp phân bổ giá trị có lợi cho một giai cấp. Trong thực tế cho thấy, việc thực
thi quyền lực chính trị gắn liền với thực hiện phân bổ các giá trị, nhưng đó
còn là thực hiện sự thống trị giai cấp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã
hội.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, quyền lực chính trị là
quyền quyết định, định đoạt những vấn đề, công việc quan trọng về chính trị, tổ
chức và hoạt động để bảo đảm sức mạnh thực hiện quyền lực ấy của một giai cấp,
một chính đảng, tập đoàn xã hội nhằm giành hoặc duy trì quyền lãnh đạo; định đoạt,
điều khiển bộ máy nhà nước; xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trong một quốc
gia và quan hệ chính trị - kinh tế - ngoại giao với các nhà nước khác và tổ chức
quốc tế khu vực và thế giới, bảo đảm chiều hướng phát triển quốc gia phù hợp với
lý tưởng giai cấp .
Đời sống chính trị rất phong phú, đa dạng, nội dung phạm
trù quyền lực chính trị cũng rất phong phú, đa dạng, khó có thể phản ánh đầy đủ
trong định nghĩa. Có thể nêu ra một cách khái quát như sau:
Quyền
lực chính trị là quyền lực của một giai cấp hay liên minh giai cấp để thực hiện
sự thống trị chính trị trên cơ sở thực hiện chức năng công quyền, cơ bản bằng
quyền lực nhà nước, là năng lực áp đặt và thực thi các giải pháp phân bổ giá trị
xã hội có lợi cho giai cấp mình và đảm bảo mức độ nhất định sự công bằng xã hội.
Bản chất của quyền lực chính trị là quan hệ giữa các giai
cấp trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước. Như vậy, trong một
nhà nước cũng có khả năng tồn tại hai loại quyền lực chính trị thuộc về hai chủ
thể chính trị đối lập nhau: quyền lực chính trị của giai cấp thống trị (giai cấp
cầm quyền) và quyền lực chính trị của các giai cấp, các nhóm xã hội khác.
Giai cấp thống trị tổ chức ra bộ máy nhà nước và dùng bộ
máy này để thực thi quyền lực chính trị của mình. Khi ấy quyền lực chính trị của
giai cấp thống trị trở thành quyền lực nhà nước, và do vậy, nhà nước nào cũng
là công cụ của giai cấp thống trị, được giai cấp ấy sử dụng để áp đặt ý chí của
mình đối với các giai cấp và các nhóm xã hội khác trong việc tổ chức xã hội như
một chỉnh thể, và để trấn áp các giai cấp, các nhóm xã hội đó một khi các giai
cấp và các nhóm xã hội này cưỡng lại (chống lại) sự áp đặt ấy.
Ngược lại, các giai cấp không thống trị thì dùng quyền lực
chính trị (hoặc dùng sức mạnh chính trị) của giai cấp mình để cưỡng lại, hoặc
chống lại sự áp đặt của giai cấp thống trị, đòi hỏi thay đổi cách tổ chức xã hội
cho phù hợp với lợi ích của giai cấp mình… Trong trường hợp giai cấp bị trị là
giai câp đối kháng với giai cấp thống trị, có lợi ích cơ bản không dung hòa với
lợi ích của giai cấp thống trị, thì giai cấp bị trị ấy dùng sức mạnh chính trị
và quyền lực chính trị của mình để đấu tranh lật đổ sự thống trị chính trị của
giai cấp cầm quyền, thiết lập nhà nước của mình và dùng nhà nước đó để tổ chức
lại xã hội theo một trật tự khác và duy trì trật tự ấy phù hợp với lợi ích của
mình. Khi ấy quyền lực chính trị của giai cấp thống trị mới lên đã trở thành
quyền lực của nhà nước mới. Và như vậy, không có nhà nước nào tồn tại mãi mãi,
và cũng không tồn tại một quyền lực vĩnh hằng của nhà nước.
Như vậy xét về nguồn gốc, quyền lực chính trị chỉ hình
thành trong xã hội có giai cấp và được tổ chức thành nhà nước. Trong xã hội đó
vị trí, vai trò của các giai cấp, các lực lượng xã hội rất khác nhau, nên nguồn
lực của quyền lực chính trị cũng khác nhau và đó là cơ sở để hình thành quyền lực
chính trị. Quyền lực chính trị phụ thuộc vào sự phát triển của sản xuất, của
phân công lao động xã hội và do đó phụ thuộc vào cơ cấu xã hội. Khi trình độ
phát triển xã hội còn thấp, sự phân công lao động chưa rộng, cơ cấu xã hội còn
đơn giản thì quyền lực chính trị chỉ có từ vài ba giai cấp cơ bản của xã hội.
Khi trình độ phát triển cao hơn, sự phân công lao động xã hội trải rộng, cơ cấu
xã hội phức tạp, xuất hiện quyền lực chính trị của nhiều giai cấp, nhóm xã hội
và các lực lượng xã hội khác nhau. Khi phân công lao động xã hội còn ở trình độ
thấp, cơ cấu xã hội còn đơn giản, quyền lực chính trị của giai cấp thống trị về
kinh tế về cơ bản đã được tổ chức thành nhà nước. Do vậy, khi nghiên cứu các
giai đoạn này, nhiều tác giả đã đồng nhất quyền lực chính trị với quyền lực nhà
nước. Trong các giai đoạn phát triển cao hơn, quyền lực chính trị và quyền lực
nhà nước có sự khác biệt rõ rệt hơn.
BCT
Nguồn: Giáo trình chính trị học đại cương
0 comments: