Monday, January 15, 2018

HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI


1. Những đặc điểm cơ bản của hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại
Về cơ bản, hệ thống chính trị nước ta cũng được tổ chức theo những mô hình phổ biến của hệ thống chính trị các nước trên thế giới. Mặt khác hệ thống chính trị nước ta cũng có những đặc điểm riêng.
Thứ nhất, hệ thống chính trị nước ta do duy nhất một đảng - Đảng cộng sản  lãnh đạo.
Trong lịch sử chính trị cận - hiện đại nước ta đã từng tồn tại nhiều đảng chính trị khác nhau. Trước cách mạng Tháng Tám 1945, ở Việt Nam có trên 10 đảng chính trị hoạt động.
Các đảng này có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, trong đó có đảng yêu nước chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Tuy vậy, các đảng hoặc bị tan rã sau những cuộc đàn áp hoặc không đóng vai trò đáng kể trong đời sống chính trị lúc bấy giờ. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù phải chịu nhiều hi sinh, tổn thất, nhưng vẫn đứng vững và phát triển, thực hiện được vai trò đảng duy nhất lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Vai trò đó còn giữ đến ngày nay.
Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời, trong thời kỳ "ngàn cân treo sợi tóc" có nhiều đảng chính trị đã tham gia chính trường, như Đảng Cộng sản Đông Dương, Việt Nam Cách mạng đồng minh, tức Việt Cách, do Nguyễn Hải Thần thành lập, Đại Việt Quốc dân đảng (do Trương Tử Anh thành lập). Hai đảng này theo chủ nghĩa dân tộc, thân Tưởng.
Trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 1 - 1946, Việt Quốc và Viết Cách là những đảng có quyền và lúc đầu đã tham gia tranh cử, nhưng sau đã từ chối. Tuy vậy, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã dành 70 ghế cho hai đảng này. Lúc này, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán, công khai tham gia bầu cử chỉ là Hội Nghiên cứu mác xít và Mặt trận Việt Minh (do Đảng thành lập). Trong bối cảnh bầu cử đa đảng đối lập, Mặt trận Việt Minh mà thực chất là Đảng Cộng sản Đông Dương đã giành thắng lợi, trở thành đảng cầm quyền. Năm 1946, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập. Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt Nam đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1947 đến giữa những năm 80 thế kỷ XX, ở miền Bắc, có ba đảng chính trị, nhưng chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất đóng vai trò lãnh đạo và là đảng cầm quyền. Từ giữa những năm 1980, khi Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ tuyên bố tự giải tán đến nay, hệ thống đảng ở nước ta là hệ thống duy nhất một đảng và chỉ có một đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Như vậy, vai trò là đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị nước ta không chỉ tùy thuộc vào ý chí chủ quan, năng lực của Đảng mà còn có nguyên nhân lịch sử của đất nước.
Thứ hai: Các tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản thành lập, có lịch sử đấu tranh vẻ vang, có vai trò to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Thứ ba: Hệ thống chính trị nước ta là hệ thống chính trị được xây dựng theo mô hình Xô viết, đang trong quá trình đổi mới toàn diện.
Thứ tư: Nền hành chính nhà nước, một bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị còn rất non trẻ (so với các nền hành chính các nước phương Tây có lịch sử liên tục hàng trăm năm), hầu như không kế thừa được gì từ nền cai trị của chế độ thực dân - phong kiến, bị ảnh hưởng nặng của mô hình tập trung quan liêu cao độ, nhiều năm điều hành chiến tranh, lại phải quản lý đất nước thực hiện những nhiệm vụ lịch sử mới mẻ và to lớn. Nói cách khác, chúng ta đang cố gắng xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, dân chủ - pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng nền tảng kinh tế -xã hội còn yếu ớt. Từ đó đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta.

2. Cấu trúc của hệ thống chính trị nước ta
a) Tổ chức bộ máy (hệ thống thể chế) bao gồm:
- Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội, là hạt nhân của hệ thống chính trị.
- Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp (Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân) và chính quyền địa phương.
+ Quốc hội nước ta có chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
+ Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam về đối nội và đối ngoại.
+ Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhân dân các địa phương bầu ra Hội đồng nhân dân cấp mình. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hội đồng nhân dân bầu ra Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân (Hiến pháp 2013, điều 123).
+ Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.
Chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là bảo vệ Hiến pháp, pháp luật của nước ta.
Ở nước ta, quyền lực nhà nước tập trung vào Quốc hội, các cơ quan khác như Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đều được Quốc hội cử ra, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo công tác trước Quốc hội.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên là một bộ phận của hệ thống chính trị.
b) Các quan hệ chính trị
Ngoài các quan hệ mang tính phổ biến (như đã phân tích ở phần lý thuyết chung), trong hệ thống chính trị nước ta, các quan hệ chính trị được xác lập do một cơ chế chủ đạo (và cũng là quan hệ chủ đạo) là Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.
c) Các nguyên tắc và cơ chế vận hành
Hệ thống chính trị nước ta vừa hoạt động theo những nguyên tắc phổ biến của hệ thống chính trị nói chung vừa tuân thủ những nguyên tắc đặc thù khác, như sau:
- Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
- Ủy quyền có điều kiện và có thời hạn (thông qua bầu cử tự do, bình đẳng, phổ thông, trực tiếp và kín).
- Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và xã hội.
- Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc hoạt động cơ bản của hệ thống chính trị.
- Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
- Nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách.

3. Khái quát thực trạng hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam
a) Những thành tựu
- Tính hiệu lực, tính kiểm soát, tính huy động cao.
- Tạo sức mạnh đoàn kết nhất trí cao.
- Thống nhất từ trên xuống dưới.
- Tạo sự ổn định chính trị - xã hội cần thiết.
- Tạo được sự đồng thuận xã hội.
Hệ thống chính trị nước ta tỏ rõ ưu việt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau chiến tranh, đất nước trải qua nhiều khó khăn chủ quan và khách quan, đặc biệt là sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, nhưng chúng ta vẫn đứng vững được vượt qua thử thách, khủng hoảng đưa đất nước phát triển lên một bước mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Nguyên nhân của những thành tựu đó là “do Đảng ta có bản lĩnh vững vàng và đường lối lãnh đạo đúng đắn, Nhà nước có cố gắng lớn trong việc điều hành, quản lý; toàn dân và toàn quân phát huy lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, đoàn kết nhất trí, cần cù, năng động sáng tạo, tiếp tục thực hiện đổi mới, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” .
b) Những hạn chế
- Có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phương thức và phạm vi hoạt động của từng chủ thể trong hệ thống chính trị.
Cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý chưa được cụ thể hóa. “Hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế, tổ chức và các điều kiện để thực thi dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ”.
- Chưa thực hiện tốt các cơ chế thực thi quyền lực chính trị.
“Chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả.”
- Chúng ta còn chưa thực hiện đầy đủ và đúng đắn các nguyên tắc hoạt động của hệ thống chính trị. Thể hiện trong các vấn đề:
+ Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp còn hình thức.
+ Chưa thực sự kiểm soát các quá trình thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị.
+ Chưa xác định cụ thể nội dung phương thức lãnh đạo, chịu trách nhiệm của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
+ Còn quan niệm giản đơn về thống nhất quyền lực nhà nước và sự phân công các cơ quan nhà nước trong việc thực thi các quyền.
+ Cải cách hành chính chậm, thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp.
Những yếu kém của hệ thống chính trị được Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ:
 - “Tổ chức bộ máy của Đảng và của toàn hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ ở một số tổ chức còn chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ.”
 - Việc “dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước còn nhiều hạn chế. Việc thể chế hóa, xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng chưa kịp thời, đồng bộ, cụ thể và hiệu quả chưa cao”.
 - “Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng lý luận chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.”
 - Các cơ quan nhà nước cũng còn nhiều yếu kém bất cập. “Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng đến sự thống nhất quyền lực của Nhà nước và hiệu quả hoạt động của Nhà nước”.
 - Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cũng chưa ngang tầm với chức năng, vai trò tiềm năng của chúng. “Chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động”. Tổ chức, nội dung và hoạt động còn nặng tính hành chính, tính phong trào hình thức, xa dân; chậm đổi mới; chưa thực sự bảo vệ lợi ích chính đáng của thành viên hội viên. “Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách để thể chế hóa đương lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ”.

4. Những định hướng lớn có tính giải pháp về đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam
Đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta cần tuân thủ những định hướng có tính giải pháp lớn được các kỳ Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc trong thời kỳ đổi mới vạch ra, mà gần nhất là Đại hội đại biểu đảng toàn quốc lần thứ XII (1 - 2016)
a) Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó cần chú trọng
- Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
- Hoàn thiện chức năng và nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan nhà nước theo Hiến pháp 2013.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết tốt quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tăng cường giáo dục pháp luật.
- Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực theo chiều ngang và theo chiều dọc, ở tất cả các cấp của Nhà nước. Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, hiện đại, chú trọng xây dựng đội ngũ công chức văn hóa công vụ.
- Tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, phân định rành mạch thẩm quyền hành chính với quyền hạn tư pháp trong tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp. Tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập, tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; đổi mới công tác điều tra, tránh oan sai, thực hiện sự công minh của tư pháp.
b) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân
- Để thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải đảm bảo phát huy dân chủ trong Đảng, là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội, hoàn thiện các cơ chế giám sát, phản biện xã hội; các chủ trương chính sách, pháp luật đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, như luật về hội, luật biểu tình, luật trưng cầu dân ý…
- Hoàn thiện hệ thống bầu cử, nhằm nâng cao chất lượng của đại biểu dân cử các cấp và Quốc hội. Tăng thêm đại biểu chuyên trách của Quốc hội, hướng tới xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp.
- Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức dân chủ gián tiếp, dân chủ đại diện. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở và Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
c) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng
- Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực cầm quyền, năng lực hoạch định đường lối, chính sách. Hoàn thiện cơ chế, quy chế tự phê bình, phê bình và chất vấn trong Đảng.
- Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận. Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
- Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền; nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan đảng và nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ.
- Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật của Đảng.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
d) Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội. Trong đó cần chú ý
- Đổi mới hình thức và nội dung hoạt động. Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tham gia các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp, văn hóa hữu nghị, từ thiện nhân đạo… sớm ban hành luật về hội.
- Thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; xây dựng sự đồng thuận xã hội, “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung”; “xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”.
- Khắc phục tệ hành chính hóa, xa dân.
- Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng địa phương và địa bàn dân cư.
- Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, cộng đồng dân cư và từng gia đình.
e) Những định hướng có tính giải pháp này cần được thực hiện trong điều kiện tích cực chống nạn quan liêu tham nhũng, bảo đảm sự phát triển bền vững nền kinh tế và thực hiện một bước công bằng xã hội.
5. Những phương châm và nguyên tắc cơ bản đối với quá trình đổi mới hệ thống chính trị nước ta
a) Phương châm
- Thực hiện đổi mới từng bước vững chắc trên cơ sở phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.
- Khâu mấu chốt là phân định rõ chức năng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.
b) Nguyên tắc
Một: Đổi mới hệ thống chính trị nhằm tạo điều kiện cho ổn định chính trị phát triển kinh tế – xã hội.
Hai: Đổi mới hệ thống chính trị phải đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.
Ba: Đổi mới hệ thống chính trị nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống chính trị theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bốn: Đổi mới hệ thống chính trị phải đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân.
Năm: Đổi mới hệ thống chính trị phải đồng thời với quyết tâm phòng chống quan liêu tham nhũng.
Khâu có ý nghĩa sống còn là đổi mới hệ thống chính trị ở cơ sở. Đổi mới hệ thống chính trị đồng thời phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dân chủ hóa đời sống xã hội, mở rộng dân chủ trực tiếp, thực hiện tốt hơn dân chủ đại diện, tạo điều kiện cho nhân dân thực sự tham gia ngày càng đông đảo và hiệu quả vào công việc của Nhà nước và xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đặng Đình Tân (chủ biên), Thể chế đảng cầm quyền ở nước ta, một số vấn đề lý luận và thực tiễn Nxb Chính trị quốc gia, H. 2004. 
- Lê Minh Quân, Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2003.
- Phan Xuân Sơn (chủ biên), Các đoàn thể nhân dân trong việc đảm bảo dân chủ ở cơ sở.  Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002



Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: