Quyền lực chính trị là
quyền lực của một giai cấp hay liên minh giai cấp để thực hiện sự thống trị
chính trị trên cơ sở thực hiện chức năng công quyền, cơ bản bằng quyền lực nhà
nước, là năng lực áp đặt và thực thi các giải pháp phân bổ giá trị xã hội có
lợi cho giai cấp mình và đảm bảo mức độ nhất định sự công bằng xã hội, có thể rút ra một số đặc điểm của quyền lực chính trị như
sau:
- Thứ
nhất, tính giai cấp là đặc trưng bản chất
của quyền lực chính trị
Quyền lực chính trị là quyền lực của một giai
cấp để thực hiện lợi ích khách quan của mình. Do vậy nói đến đặc trưng của
quyền lực chính trị là nói tới bản chất giai cấp của nó.Trong thời kỳ đầu của xã hội loài người, cùng với sự phát triển của lực
lượng sản xuất, tư liệu sản xuất tập trung trong tay một nhóm người, hình thành
những tầng lớp, giai cấp đầu tiên trong xã hội. Quyền lực công cộng bị phá vỡ,
thay vào đó là quyền lực của các tầng lớp, giai cấp khác nhau. Giai cấp chủ nô
chiếm ưu thế về kinh tế, giữ địa vị thống trị xã hội. Giai cấp nô lệ,
những tầng lớp dân tự do đã mất hết quyền, trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào giai
cấp chủ nô.
Sự xuất hiện của nhà nước không làm mất đi
mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp và do đó chỉ là sự đánh dấu cuộc đấu
tranh chính trị chuyển sang giai đoạn mới: diễn ra xoay quanh vấn đề giành -
giữ - thực thi quyền lực nhà nước. Từ đó nhà nước thực sự trở thành trung
tâm, vũ đài của cuộc đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh đó đòi hỏi các giai
cấp phải tổ chức ra sức mạnh của mình là quyền lực chính trị. Như vậy ngay từ
đầu, yếu tố giai cấp đã quyết định nội dung của quyền lực chính trị.
Trong đời sống xã hội, lợi ích của các giai
cấp thường mâu thuẫn với nhau, đặc biệt là hai giai cấp có lợi ích cơ bản đối
lập nhau. Khi một giai cấp thực hiện lợi ích của mình thì đồng nghĩa với việc
xâm phạm, chiếm đoạt lợi ích của giai cấp khác. Vì vậy, đấu tranh giữa các giai
cấp để bảo vệ lợi ích của mình cũng là một nhu cầu khách quan và là nét đặc
trưng cơ bản của xã hội có giai cấp. Trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp cầm
quyền tìm mọi cách bảo vệ, củng cố địa vị kinh tế và địa vị chính trị
của mình nhằm áp bức, bóc lột các giai cấp khác. Ngược lại, các giai cấp bị trị
cũng luôn vươn lên để chiếm ưu thế, cải thiện địa vị chính trị của mình, đấu
tranh bảo vệ cho lợi ích giai cấp. Để đảm bảo thắng lợi
trong các cuộc đấu tranh đó, tất cả các giai cấp không ngừng củng cố,
phát triển quyền lực chính trị của mình. Quyền lực chính trị trở thành vấn đề
trung tâm của cuộc đấu tranh giai cấp với nội dung là giành, giữ và thực thi nó
để nắm quyền kiểm soát xã hội. Vì vậy, hướng tới quyền lực chính trị
không phải là sự ham mê đơn thuần của một cá nhân hay giai cấp nào đó, cũng như
không phải là sự vận động tự thân của quyền lực, mà là mục tiêu đấu tranh, là
động lực của đấu tranh giai cấp.
Quyền lực chính trị tồn tại trong mối liên hệ
lợi ích khi đặt nó trong quan hệ với giai cấp khác. Tuỳ thuộc vào tương quan,
so sánh lực lượng mà các giai cấp ở vào vị thế khác nhau trong quan hệ với việc
sử dụng quyền lực chính trị.
Như vậy, chừng nào còn giai cấp thì còn chính
trị, còn quyền lực chính trị. Giai cấp nào cũng thống nhất trong việc bảo vệ
lợi ích của mình, trong đấu tranh giành quyền lực chính trị.
- Thứ hai, quyền lực chính
trị thực hiện chức năng công quyền,
cơ bản bằng quyền lực nhà nước.
Ở đây cần phân biệt ba
loại quyền lực gắn kết, đan xen, lồng ghép vào nhau song có những đặc trưng
riêng, xác định: quyền lực công cộng, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.
Quyền lực công là quyền lực đại diện cho tất thảy mọi thành viên xã
hội, ở cả những giai cấp, lực lượng xã hội khác nhau. Trong khi đó
quyền lực chính trị là quyền lực của một giai cấp (hay liên minh giai cấp), của
một lực lượng xã hội. Còn quyền lực nhà nước, về hình thức bao giờ cũng thể
hiện là quyền lực công.
Thực hiện chức năng của quyền lực công là địa
vị “chính danh” của nhà nước. Song về thực chất, bao giờ tổ chức thể hiện quyền
lực công đó (nhà nước) cũng bị nắm, bị chi phối bởi một giai cấp hay một lực
lượng xã hội nhất định (giai cấp thống trị) tức nó là quyền lực chính trị. Như
vậy, quyền lực nhà nước là hình thức biểu hiện cơ bản và tập trung của quyền
lực công và quyền lực chính trị. Trong một xã hội, một cộng đồng quốc gia dân
tộc, quyền lực công và quyền lực chính trị không thể hiện ở đâu một cách cơ bản
và tập trung khác ngoài quyền lực nhà nước. Do vậy khi nghiên cứu về quyền lực
chính trị người ta đặt trọng tâm vào nghiên cứu nhà nước, quyền lực nhà nước.
Đồng thời nghiên cứu nhà nước, quyền lực nhà nước phải thấy rõ cả hai chức năng
cơ bản của nó: chức năng thực hiện lợi ích, ý chí giai cấp và chức năng công
quyền.
- Thứ ba, quyền
lực chính trị là năng lực áp đặt và
thực thi các giải pháp phân bổ giá trị xã hội có lợi cho giai cấp mình và đảm
bảo mức độ nhất định sự công bằng xã hội.
Thực vậy trong các xã hội, luôn tồn tại một
tình trạng khách quan là: tổng giá trị mà xã hội tạo ra bao giờ cũng thấp hơn
tổng số nhu cầu của toàn bộ các thành viên của nó. Nghĩa là ở mọi xã hội cụ thể
luôn tổn tại tình trạng thiếu hụt những giá trị nhất định. Do vậy, bất đồng,
mâu thuẫn xoay quanh việc phân bổ những giá trị thiếu hụt này là không tránh
khỏi. Để giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn này tất yếu phải có một quyền lực
công. Quyền lực này có chức năng cơ bản là đưa ra và áp đặt các giải pháp phân
bổ giá trị sao cho các mâu thuẫn được giải quyết, giảm bớt, không dẫn tới xung
đột bùng nổ xã hội. Song những giai cấp, những lực lượng giữ địa vị thống trị,
khi nắm được quyền lực công lại quyết định sự phân bổ giá trị có lợi cho mình.
Đó là mâu thuẫn trong quyền lực chính trị.
Việc nắm giữ và thực thi quyền lực chính trị
thường phải giải quyết sự tương quan giữa lợi ích của giai cấp thống trị và yêu
cầu đảm bảo sự công bằng xã hội
Mục tiêu và khát vọng của giai cấp, lực lượng
xã hội đang nắm quyền lực chính trị luôn là sử dụng quyền lực để duy trì và bảo
vệ một trật tự xã hội có lợi cho giai cấp, lực lượng mình. Song việc thực thi
quyền lực chính trị bao giờ cũng phải thông qua hình thức quyền lực công (nhà
nước). Cho nên, khi nắm giữ và thực thi quyền lực chính trị, lại cần phải đảm
bảo mức độ nhất định sự công bằng xã hội. Bởi vì quyền lực nhà nước, về mặt
“hợp pháp” là quyền lực công, đại diện cho lợi ích, ý chí của cả cộng đồng, là
cái có nền tảng, bắt nguồn từ bên trong lòng xã hội, từ nhu cầu tồn tại khách
quan của xã hội. Do đó việc sử dụng công cụ này, không chỉ vì lợi ích của giai
cấp thống trị mà ở chừng mực nào đó, phải đảm bảo sự công bằng trong phân bổ
lợi ích giữa các giai cấp, các lực lượng và các thành viên trong xã hội. Quyền
lực chính trị là công cụ phục vụ cho lợi ích của chỉ một giai cấp,
một lực lượng xã hội nhất định, phải trên cơ sở thực hiện chức năng công quyền,
nó chỉ có thể tồn tại trong cái hình thức là quyền lực công. Do đó một khi sự
bất công vượt quá một giới hạn nào đó sẽ dễ xuất hiện sự bất bình trong các bộ
phận thành viên của xã hội. Vì về mặt “pháp lý” họ có quyền chính đáng để phản
kháng, thậm chí đấu tranh để xóa bỏ việc nắm giữ quyền lực công đó, xác lập một
sự nắm giữ quyền lực công khác. Khi đó tất nhiên sự thống trị chính trị của
giai cấp cũng sẽ không thể tồn tại.
Điều này cho thấy bất cứ
giai cấp, lực lượng xã hội nào đang cầm quyền muốn duy trì, củng cố quyền lực
chính trị của mình khi thực hiện quyền lực công, quyền lực nhà nước cũng luôn
phải nhân danh là thực hiện công bằng xã hội và cũng phải thực hiện ở mức độ
nhất định công bằng xã hội.
Ngoài ra, quyền lực chính trị còn có một
số đặc điểm sau:
- Quyền lực chính trị là khách
quan tất yếu trong một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử xã
hội
Toàn bộ hiện thực lịch sử và tư tưởng lý luận
nhân loại đểu khẳng định sự ra đời, hình thành các giai cấp ở một giai đoạn
phát triển của xã hội là khách quan, tất yếu. Về nguyên tắc, giai cấp, lực
lượng xã hội nào cũng có một năng lực,
ở chừng mực nào đó, cho phép hiện thực hóa những lợi ích của mình. Do vậy, cùng
với tính tất yếu khách quan của sự ra đời, tồn tại và tiêu vong của các giai
cấp, quyền lực chính trị - khả năng một giai cấp thực hiện lợi ích khách quan
của mình cũng mang đặc trưng khách quan tất yếu đó.
Song, không phải bất cứ lực lượng, phe nhóm
xã hội nào được tổ chức thành giai cấp cũng sẽ có ngay quyền lực chính trị của
giai cấp mình. Trên thực tế, giai cấp, lực lượng đó chỉ thực sự có được quyền
lực chính trị của mình khi nó giành và giữ được quyền lực công - biểu hiện tập
trung ở quyền lực nhà nước. Lôgíc của sự ra đời và hình thành quyền lực công
trong sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội cho thấy tính tất yếu khách
quan cũng như bản chất tạo nên sự gắn chặt của quyền lực chính trị với nó.
Như vậy, cơ sở trực tiếp tạo nên tính tất yếu
khách quan của quyền lực chính trị chính là từ tính tất yếu khách quan của
quyền lực giai cấp và thực hiện quyền lực công trong xã hội.
- Quyền lực chính trị trong một xã hội là
quyền lực của giai cấp, lực lượng xã hội giữ địa thống trị về kinh tế
Đặc trưng này phản ánh mục tiêu thực chất của
quyền lực chính trị là nhằm thiết lập, duy trì một trật tự bảo vệ và phát triển
các lợi ích mà căn bản và trước hết là lợi ích kinh tế cho giai cấp, lực lượng
xã hội nắm quyền. Do vậy giành, giữ để có thể thực thi được quyền lực chính trị
bao giờ cũng là mục tiêu trực tiếp, trọng yếu của giai cấp, lực lượng xã hội
thống trị về kinh tế. Hơn thế nữa, giai cấp, lực lượng xã hội đó lại thường là
lực lượng có đủ điều kiện để giành, giữ và chi phối quyền lực chính trị.
Đặc trưng này chỉ ra một tính quy luật
là: Giai cấp nào thống trị về kinh tế sớm muộn sẽ thống trị về chính trị
và nếu một giai cấp, lực lượng xã hội đã làm chủ về quyền lực chính trị mà
không xây dựng và giữ được địa vị chủ đạo về kinh tế thì sớm muộn cũng sẽ không
thể duy trì được quyền lực chính trị.
Đặc trưng này cũng chỉ rõ nền tảng, cơ sở của
chính trị, quyền lực chính trị là ở kinh tế mà gốc là từ quan hệ sở hữu. Do vậy
xây dựng quyền lực chính trị của một giai cấp, một lực lượng xã hội
trước hết phải xây dựng từ cơ sở nền tảng của nó tức là xây dựng một chế độ
kinh tế mà trong đó giai cấp, lực lượng xã hội đó có tư cách và địa vị chủ thể.
- Quyền lực
chính trị phải được tập trung đủ mức và phải được kiểm soát
Quyền lực chính trị là một loại hình quyền
lực, đó là quan hệ hai chiều, quan hệ mệnh lệnh giữa chủ thể với đối tượng và
quan hệ tuân phục giữa đối tượng và chủ thể. Trong quan hệ đó quyền lực chỉ
thực sự là quyền lực khi mệnh lệnh của chủ thể được đối tượng thi hành nhanh
chóng và triệt để. Có nhiều điều kiện chi phối tới việc diễn ra trong thực tế
yêu cầu đó. Nhưng về mặt xây dựng tổ chức thì việc quyền lực phải được xây dựng
tập trung một cách đủ mức là điều kiện tiên quyết. Khi quyền lực không được tập
trung đủ mức thì chủ thể của nó hoặc không ra được quyết định, hoặc quyết định
không có (hoặc thiếu) hiệu lực thi hành (không nhanh chóng và triệt để) thì khi
đó thực chất chủ thể quyền lực đã mất quyền hoặc không có quyền lực trên thực
tế.
Trong đời sống chính trị thực tiễn, hiện
tượng trì trệ trong xã hội ở những lĩnh vực và phạm vi nhất định, có thể có
nguyên nhân là do không có chính sách, đường lối nào được thực thi kịp thời,
triệt để, thực tế là sự chiết trung, triệt tiêu lẫn nhau, mà nguyên nhân của nó
chính là sự thiếu tập trung quyền lực. Những người lãnh đạo bị chi phối nhiều
tâm lực cho việc củng cố địa vị, “lo giữ ghế” hoặc do các mệnh lệnh chồng chéo
nhau, từ đó dẫn đến sự thiếu trách nhiệm, thiếu sự quyết đoán và sáng kiến cá
nhân.
Mặt khác, song song với việc tập trung quyền
lực thì cũng phải có cơ chế kiểm soát nó. Đây là một nguyên tắc hết sức quan
trọng trong tổ chức bộ máy quyền lực. Thực tiễn lịch sử cho thấy các chủ thể
nắm quyền lực thường dễ có xu hướng lạm quyền, sử dụng quyền lực được trao để
mưu tính những lợi ích khu biệt, cá nhân. Đó là lý do tại sao khi trao quyền
cho các chủ thể nắm quyền thì đồng thời cũng phải đảm bảo có cơ chế giám sát nó
một cách chặt chẽ. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong
tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước. Trong các thể chế chính trị khác nhau, do
bản chất chế độ chính trị khác nhau dẫn đến nguyên tắc tổ chức và phương thức
hoạt động của cơ chế này có thể khác nhau, song về nguyên tắc không thể không
thực hiện cơ chế này.
0 comments: