Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (190-280) với khoảng 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu. Tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc. Được viết vào thế kỷ 14, nhưng Tam quốc diễn nghĩa để lại nhiều bài học trên mọi bình diện cho đến ngày nay.
Trong thiên tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa có rất nhiều định nghĩa về anh hùng, nhưng khó có nào đoạn nào miêu tả xuất sắc như tình huống “uống rượu luận anh hùng” giữa Tào Tháo và Lưu Bị. Đó là một “ván cờ cân não” mà mỗi bước đi của hai cao thủ Lưu Bị và Tào Tháo đều đầy mưu chước hung hiểm.
Bối cảnh của ván cờ này là Lưu Bị lúc đó đang thân cô, thế cô, bị thất thế nên buộc phải nương nhờ trong quân doanh Tào Tháo. Sau nhiều chiến dịch cộng tác thành công mà đặc biệt là việc đánh bại Lữ Bố, nhiều mưu sĩ của Tào Tháo đã khuyên nên giết ngay Lưu Bị để diệt trừ hậu hoạn. Lúc này, Lưu Bị ở trong quân Tào ngày ngày chăm sóc vườn tược thì bất ngờ bị Trương Liêu và Hứa Chử đến mời về phủ Tào Tháo ngay lập tức.
Vừa thấy mặt Lưu Bị, Tào Tháo đi ngay “nước cờ đầu tiên”:
- Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ?
Huyền Đức sợ tái mặt. Tháo cầm tay Huyền Đức dắt vào vườn ở sau nhà, nói rằng:
- Huyền Đức học làm việc vườn, chắc cũng không phải là việc dễ dàng?
Huyền Đức bây giờ mới vững dạ, đáp rằng:
- Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi.
Huyền Đức bây giờ trấn tĩnh lại được, theo đến tiểu đình, đã thấy bày mâm bát, giữa bàn bày một đĩa mơ xanh, một bình rượu nóng. Tào Tháo giả vờ nhớ chuyện cũ nên mời Lưu Bị dùng rượu. Hai người ngồi đối diện, ăn uống vui vẻ. Lúc rượu ngà ngà say, chợt thấy mây đen mù mịt, cơn mưa sắp kéo đến. Quân hầu trỏ lên trời bẩm: “Có vòi rồng lấy nước”. Tháo đi tiếp nước cờ thứ hai:
- Sứ quân có biết rồng nó biến hoá thế nào không?
Huyền Đức nói:
- Tôi chưa được tường.
Tháo nói:
- Rồng lúc thì to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu mình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì lẩn núp ở dưới sóng. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hoá, cũng như là người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời. Huyền Đức lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng đời nay, hẳn đã biết cả, xin thử nói cho nghe.
Lưu Bị khiêm nhường bảo không rõ, Tháo tiếp tục tấn công bảo không rõ có thể nghe danh , Bị đành nói qua loa một loạt Viên Thuật, Tôn Sách, thậm chí là Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại v.v… tất cả đều bị Tháo gạt phăng đi, bảo không đáng kể. Đoạn tung chiêu hiểm:
- Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có cái bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.
Huyền Đức mới nói:
- Ai có thể xứng đáng được như thế?
Tào Tháo lấy tay trỏ vào Huyền Đức, rồi lại trỏ vào mình nói rằng:
- Anh hùng thiên hạ luận ra chỉ có ta và sứ quân thôi.
Huyền Đức nghe nói, giật nảy mình, cái thìa đôi đũa đương cầm ở trong tay, rơi cả xuống đất. Giữa lúc bấy giờ, con mưa u ám, có một tiếng sét thực dữ. Lưu Bị từ từ cúi xuống nhặt đũa và thìa, nói tảng rằng:
- Gớm ghê! Tiếng sét dữ quá!
Tào Tháo cười hỏi rằng:
- Trượng phu cũng sợ sấm à!
Huyền Đức nói:
- Đức thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt, huống chi là tôi đây sao lại không sợ?
Huyền Đức đã che đậy được hết cả việc giật mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tháo gọi mình là anh hùng. Tháo thấy thế không ngờ gì Huyền Đức nữa. Sau đó không lâu, Lưu Bị nhân cơ hội được Tháo phái đi dẹp loạn, nhanh chóng bỏ đi, gầy dựng lại lực lượng…
Một ván cờ mà cả hai đều là cao thủ tinh toán. Nước đi của Tào Tháo lúc nhanh, lúc hiểm, lúc tưởng bỏ qua lại nhè chừng vồ ngược hòng làm Lưu Bị vừa kinh vừa hãi để xem thử cốt cách. Ngược lại, nước đáp trả của Lưu Bị lại nhẹ nhàng, uyển chuyển như nước chảy mây trôi, hóa giải hết đòn thế của Tào Tháo, nhờ thế mà giữ lại được một mạng cho mình.
Nhưng điều hay ho nhất trong tình huống kinh điển này là việc Lưu Bị thật sự mới là người đi nước đầu tiên trong ván cờ cân não này. Ông đã bày trận từ trước để chờ Tào Tháo ra chiêu, giống như lời kể lại với Quan Vũ, Trương Phi : “Độ này ta chịu khó làm vườn cuốc đất, cốt là để cho Tào Tháo không nghi ta có chí lớn…”
Uống rượu luận anh hùng là tình huống luận bàn, cân não kinh điển, mà rõ qua đó ta thấy cả hai loại anh hùng: một kẻ thẳng thắn, ngông cuồng như Tào Tháo, một kẻ khôn khéo, lẳng lặng nhịn nhục chờ thời cơ như Lưu Bị.
Tào – Lưu luận anh hùng để lại cho chúng ta nhiều bài học về làm người. Làm người trước hết phải hiểu mình, phải là người có chí, có khí lớn của bậc đại phu, sinh ra phải có công với núi non.
Làm người phải biết thời thế, tình thế. Khi thế yếu phải biết ẩn mình, khi thời cơ đến phải nắm lấy ngay, khi thế mạnh biết tấn công phản đòn. Cũng như Lưu Bị khi yếu thì ẩn ở Tào, khi Tào sơ suất phải biết thoát thân nhanh chóng, cũng như sau này khi lớn mạnh mới trở thành đối thủ của Tào để tạo thế chân vạc thời Tam quốc.
Làm người phải biết hy sinh cái nhỏ vì lợi ích cái lớn, lâu dài. Thắng thua, tranh giành trước mắt chỉ là hư vô, quan trọng là ta đặt được mục đích của đời mình. Như Tào Tháo nói, làm người cũng như anh hùng phải như con rồng, biết ẩn mình sâu xa, lúc ẩn lúc hiện, khiến người ta không biết được ý đồ của mình. ở đời lòng người hiểm ác khó lường, “bất tri tâm” nên phải khiêm tốn, nhận chịu học hỏi, tiến lên phía trước. Người đời có câu “vĩ đại là vì đứng trên vai những người khổng lồ”, biết đưa người khác lên trên cũng là đưa chính mình lên vậy.
Muốn làm nên nghiệp lớn phải biết ẩn mình chờ thời!
"Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong"
0 comments: