Thursday, January 18, 2018

Lý thuyết “Không gian sinh tồn” – Tham vọng của Trung Quốc


Dựa trên quan điểm của nhà sinh vật học Darwin và nhà động vật học Ersnt Heinrich Haelkel, Friedrich Ratzel đã hình hình thành một học thuyết có ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới địa chính trị ở nữa cuối thế kỷ XIX, đó là lý thuyết “không gian sinh tồn”.
Lý thuyết này được ra đời trong bối cảnh nền công nghiệp của các nước châu Âu đang trên  đà phát triển trong đó có đế quốc Đức. Tuy nhiên,Đức cũng như các nước đang phát triển lại đang bị kìm kẹp và hạn chế thuộc địa, hạn chế không gian phát triển bởi các cường quốc cũ như Anh, Pháp. Các cường quốc cũ đã thâu tóm thuộc địa và thị trường  ở nhiều khu vực trên thế giới. Vì vậy mà lý thuyết “không gian sinh tồn” ngay lập tức được các nước đế quốc trẻ đón nhận như là kim chỉ nam cho tham vọng bành trướng của mình.
Theo lý thuyết của Fredrich Ratzel và người học trò Kjellen cho rằng quốc gia là một cơ thể hữu cơ đang phát triển, biên giới của nó mang tính động chứ không phải tính tĩnh, nghĩa là nó phải được lớn lên như một cơ thể hữu cơ. Trong đó hai yếu tố được các học giả này nhấn mạnh là yếu tố không gian và chính sách tự túc, tực cấp của một quốc gia.
Kjellen đã tiếp thu và phát triển về lý thuyết không gian sinh tồn của Ratzel, lý thuyết của Kjellen ngoài quan niệm quốc gia như một cơ thể sinh học, ông còn nhấn mạnh đến yếu tố không gian và chính sách tự túc tự cấp của một quốc gia.
Ông cho rằng các quốc gia có sức sống mạnh với  một phạm vi chủ quyền hạn chế sẽ bị thôi thúc quyết liệt theo hướng mở rộng lãnh thổ của mình bằng công cuộc chiếm thuộc địa, liên minh với các quốc gia khác hoặc chinh phục theo nhiều kiểu khác nhau…đó không phải là bản năng chinh phục thô thiển, mà là xu hướng bành trướng tự nhiên và cần thiết như là một phương tiện tự bảo tồn, là một công cụ sinh tồn.
Kjellen cho rằng một quốc gia muốn trở thành một cường quốc thế giới cần hội đủ ba yếu tố sau:
Thứ nhất, quốc gia cần phải có một không gian rộng rãi, tức là nó phải tồn tại trong một khu vực đất liền cận kề rộng lớn.
Thứ hai, nó phải có một sự cố kết nội tại để trở thành quốc gia mạnh. Ông đã nói nước Anh sẽ không bao giờ trở thành cường quốc thế giới được bởi vì nó thiếu cả hai điều kiện trên: nó không có không gian rộng lớn cũng như nội bộ không có tính cố kết cao, trong long xã hội có sự chia sẽ sâu sắc.
Thứ ba, quốc gia lớn cần phải có sự tự do di chuyển. Theo tiêu chí này thì nước Nga có không gian rộng và sự cố kết nối bên trong, nhưng ông cho rằng nó không bao giờ trở thành cường quốc vì nó không có con đường tiếp cận với cảng nước ấm.
Ratzal và kjellen đã tạo cơ sở biện minh cho mọi hành động bành trướng lãnh thổ của một quốc gia và là nền tảng tinh thần của tư tưởng địa chính trị của Đức.
Cũng theo lý thuyết này, nó có những hạn chế nhất định: thứ nhất, lý thuyết không gian sinh tồn biện minh cho sự bành trướng, xâm lược của quốc gia lớn với các quốc gia nhỏ, yếu, gây nên tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Thứ hai, lý thuyết này là  nguyên nhân làm xuất hiện chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa sovanh, là công cụ cho chủ nghĩa phát xít sử dụng vì mục đích bá chủ toàn cầu. với lý thuyết không gian sinh tồn là cơ sở cho nước Đức mở rộng bờ cõi, là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới thứ I, II gây thảm họa thảm khóc cho nhân loại. thứ ba, nó là nguyên nhân gây ra nhiều tội ác chiến tranh, nước mạnh có thể dùng mọi thủ đoạn để chiếm được nước yếu mà vẫn xem đó là lẽ tự nhiên trong quy luật sinh tồn.
Nếu như Đức là đế quốc đã sử dụng học thuyết này trong thế kỷ XX gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc, thì nay Trung Quốc được cho là quốc gia cũng đang theo học thuyết “không gian sinh tồn” để hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa, vươn lên thành cường quốc số một thế giới.
Thứ nhất, Trung Quốc luôn có ý đồ mở rộng lãnh thổ của mình, trong đó có xu hướng mở rộng xuống phía Nam, phía Đông lãnh thổ Trung Quốc. Tháng 5 năm 2009 Trung quốc gửi Công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố chủ quyền tối cao đối với “các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận” kèm một bản đồ với chín đoạn thể hiện chủ quyền của mình trên biển. Với động thái này, Trung Quốc bắt đầu lộ rõ tham vọng mở rộng lãnh thổ, mở rộng không gian sinh tồn xuống phái nam. Cũng vào tháng 7 năm 2016 Chính quyền Bắc kinh tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm việc thiết lập vùng nhận dạng phông không (ADIZ). Với những tham vọng bành trướng lãnh thổ, mở rộng không gian sinh tồn của mình Trung Quốc đã gây nên tình trạng căng thẳng, mẫu thuẫn ở Biển Đông, gây tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Việt Nam, tranh chấp đảo Điếu Ngư với Nhật Bản, tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philippines…
Bản đồ đường chín đoạn theo tuyên bố của Trung Quốc
Thứ hai, không gian sinh tồn của Trung quốc không chỉ mở rộng trên bình diện lãnh thổ địa lý mà còn cả trên bình diện kinh tế. Trung quốc không ngừng đầu tư ra nước ngoài, cung cấp, hỗ trợ về mặt kinh tế cho các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á, không ngừng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập và thâu tóm thị trường các nước mới nổi và có tính cạnh tranh kém, trong đó có Việt Nam, Campuchi và Lào…Tăng cường hỗ trợ kinh tế, thâu tóm kinh tế, làm cho các nước mới nổi ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc là một trong những bước đi để buộc các nước phải phụ thuộc về mặt chính trị, từng bước dẫn dắt chính sách đối ngoại của các nước phụ thuộc. Do đó, các nước phụ thuộc hoặc hợp tác kinh tế cần phải làm chủ, tránh phụ thuộc quá mức về kinh tế.
Thứ ba, một không gian sinh tồn nữa mà Trung Quốc chú trọng mở rộng và phát triển trên con đường tham vọng chinh phục giấc mơ Trung Hoa của mình là không gian văn hóa. Bước đầu để mở rộng không gian văn hóa là truyền bá ngôn ngữ và phong tục tập quán của người Hoa sang các nước lân cận. Trung quốc đã tiến hành thành lập học viện Khổng Tử ở các nước Đông Nam Á và một nước trên thế giới. Học viện Khổng Tử là hệ thống học viện công phi lợi nhuận, liên kết với bộ giáo dục Trung Quốc, thành lập với mục tiêu quảng bá tiếng Hoa và văn hoá Trung Hoa, giảng dạy tiếng Hoa cho mọi đối tượng trên toàn thế giới đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giao lưu văn hóa và truyền bá tư tưởng cũng như văn hoá Nho giáo ra thế giới. Tính đến đầu 2011, các trường đại học Quảng Tây đã thành lập 6 Học viện Khổng Tử tại các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh thành lập Học viện Khổng Tử thì Bắc Kinh còn tạo điều kiện để các cộng đồng người Hoa ở các nước Đông Nam Á lớn mạnh, góp phần truyền bá ngôn ngữ của mình. Lịch sử đã chứng minh rằng, muốn đồng hóa và chinh phục được một dân tộc thì phải đồng hóa được ngôn ngữ bản địa, việc Trung Quốc mở rộng không gian nói tiếng Hoa cũng là một ẩn ý cần phải xem xét lâu dài và đầy cẩn trọng.
Thứ tư, Trung Quốc hội tụ đủ yếu tố “cố kết bên trong” để trở thành một cường quốc theo học thuyết không gian sinh tồn. Nền chính trị Trung Quốc được cho là ổn định trong một quốc gia đa dân tộc với diện tích lãnh thổ rộng hơn 9.5 triệu km2 và hơn 1.3 tỷ người, khoảng 55 dân tộc khác nhau cùng sinh sống trên lãnh thổ Trung Hoa. Nền chính trị Trung Hoa đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản, thực hiện chính sách nhất nguyên chính trị, thống nhất từ trung ương tới địa phương, tạo thành một thể thống nhất. hơn nữa, các dân tộc trung hoa có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau rất cao, đồng thời có tính tự tôn và tinh thần dân tộc cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để Trung Quốc vươn mình trở thành cường quốc của thế giới, tiến tới thực hiện giấc mơ Trung Hoa.
Thứ năm, Trung Quốc hội tụ đầy đủ yếu tố để “dòng chảy lưu thông”. Với vị trí địa lý thuận lợi, kết hợp với nền kinh tế mạnh Trung Quốc đã tiến dành thực hiện chiến lược “Một vành đai một con đường” với mục đích “chính sách khai thông, hạ tầng liên thông, thương mại thông suốt,nguồn vốn lưu thông và lòng dân tương thông”. “Một vành đai một con đường” được hợp nhất bởi “Vành đai kinh tế trên bộ” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” tạo thành một không gian sinh tồn rộng lớn, hứa hẹn mở ra thời đại huy hoàng của Trung Hoa. Với tư duy chiến lược lâu dài và tham vọng lớn của mình về “Một vành đai một con đường” sẽ giúp Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng, tạo nên một mạng lưới kết nối trên cả 3 châu lục lớn là Á – Âu – Phi, với dân số chiếm 63% dân số thế giới và GDP chiếm 29% GDP toàn cầu, xuất khẩu hang hóa và dịch vụ đạt 23.9% toàn cầu. Nếu thành công trong chiến lược “Một vành đại một con đường” thì Trung Quốc thực sự là một cường quốc mạnh của thế giới.
Như vậy, theo học thuyết không gian sinh tồn Trung Quốc hội tự đầy đủ những yếu tố để trở thành một cường quốc của thế giới. Với việc trung quốc mở rộng “không gian sinh tồn” với tham vọng thực hiện giấc mơ Trung Hoa đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Cũng như  những hạn chế của học thuyết này, việc Trung Quốc mở rộng “không gian sinh tồn” sẽ gây ra tinh trạng tranh chấp, xung đột lãnh thổ với các nước lân cận, gây nên tình trạng bất ổn về chính trị, trong bối cảnh quốc tế hiện nay thì các nước đang phát triển và nước nhỏ khó long mà chấp nhận được các gọi là quy luật tự nhiên “cá lớn nuốt cá bé”. Dù có muốn hay không thì Trung Quốc luôn thể hiện tham vọng bành trướng của mình trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực, do đó các nước nhỏ và đang phát triển cần cẩn trọng trong việc hợp tác với Trung Quốc.
Bài viết mang quan điểm cá nhân.
BCT


Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: