Thursday, January 4, 2018

ĐÔI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG CỦA KHỔNG TỬ

ĐÔI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG CỦA KHỔNG TỬ

Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất ở phương Đông. Học thuyết của ông có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở tất cả những nền văn hóa nào chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam...

Khổng tử sinh năm 551 –479 TCN, tức là vào cuối thời kỳ Xuân thu. Ông là đại biểu về tư tưởng cho tầng lớp quý tộc đang suy yếu, nhưng vẫn còn cơ sở xã hội khá vững chắc ở Trung Quốc khi đó. Nhà Chu thời kỳ này đã suy yếu, không còn khả năng khống chế, sai khiến các nước chư hầu, lại còn bị các nước chư hầu chèn ép, mượn thế Thiên tử để thực hiện mưu đồ bá chủ. Tình trạng hỗn loạn của xã hội ngày càng tăng, chiến tranh liên miên...Dễ nhận ra, lúc đó là tình trạng khủng hoảng của hệ thống chính trị nhà Chu đã tới mức trầm trọng. Xã hội loạn lạc, quân thần tranh giành quyền bá, lễ nhạc suy vong...đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của Khổng Tử.
Xu hướng tư tưởng của Khổng Tử là khôi phục nhà Chu, tức là khôi phục thể chế chính trị với nguyên tắc cơ bản là “Thân thân”- thương yêu người thân, tức là chỉ duy trì tầng lớp thống trị trong hàng ngũ những người có cùng huyết thống. Đó là nguyên tắc căn bản của nền chính trị quý tộc thị tộc, nhưng ông không cố chấp. Trước những thay đổi của xã hội Trung Quốc ở  thời kỳ đó, ông chủ động đề xuất việc bổ sung nguyên tắc “Trọng hiền”, tức là chấp nhận những người tài giỏi phi quý tộc trong bộ máy chính trị, trên cơ sở trung thành với thể chế chính trị nhà Chu. Với tư cách là người đi tiên phong, ông là người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc mở trường dạy học (trước ông chỉ có quan học, tức là việc học hành chỉ có ở trong cung đình, đối tượng đào tạo là con em quý tộc), với nguyên tắc dạy bất kỳ ai “hữu giáo vô loại”, dù là quý tộc hay phi quý tộc, chuẩn bị cho xã hội một đội ngũ những người làm việc cai trị, làm quan. Ông thể hiện thái độ nhập thế, nhưng bằng con đường Trung đạo (tư tưởng Trung dung), có thể coi là con đường ở giữa so với hai cực đoan là Lão Tử và Hàn Phi Tử. Lão Tử thì muốn quay ngược bánh xe lịch sử, trở về thời kỳ thị tộc thuần túy, còn Hàn Phi thì chủ trương pháp trị, cai trị xã hội hoàn toàn bằng pháp luật, xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội, ngoại trừ sự khác biệt không thể vượt qua giữa ông vua và tất cả những người cai trị.
Khổng Tử tôn sùng văn hóa Nhà Chu nói chung, và văn hóa chính trị Nhà Chu nói riêng. Ông coi đó là một một mô hình xã hội tốt mà Trung quốc có thể đạt được lúc bấy giờ, bởi vì nó kế thừa được tinh hoa văn hóa của Trung Quốc có thể đạt được lúc bấy giờ, nó cũng kế thừa được văn hóa Trung Quốc trước đó, cho nên theo ông nó phù hợp với nhân tính. Ông coi quốc gia là gia đình mở rộng, trong đó Vua là cha mẹ, quan lại là anh cả, thần dân là con cái (thuyết gia trưởng về sự ra đời của nhà nước).
Khổng Tử có công lao to lớn trong nền văn hóa Trung Hoa, tập đại thành văn hóa cổ đại Trung Quốc trong các công trình sưu tập gồm Kinh thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch và ông tự viết Kinh Xuân Thu, thể hiện lập trường khôi phục nhà Chu, xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị với tôn ti trật tự phong kiến, phụ hệ, trong đó ông coi vua là con Trời (Thiên tử) là người nắm quyền lực tối cao, là cái then chốt cho toàn bộ đời sống xã hội. Đó là nguyên tắc chính trị tối thượng trong học thuyết chính trị của Khổng Tử: Thiên tử là người duy nhất định ra thể chế chính trị và thực thi quyền lực trong thiên hạ. “Lễ nhạc, chinh phạt tự Thiên tử xuất”. Bất kỳ ai, nếu vi phạm nguyên tắc đó đều bị ông coi là xâm nhập vào nền tảng căn bản của đời sống xã hội. Nguyên tắc này và những quan điểm giải thích, bảo vệ và triển khai nó ra trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, chính là nguyên nhân căn bản làm cho gần như tất cả các triều đại phong kiến Trung Quốc trong lịch sử sau nhà Tần đều coi học thuyết của ông là chính thống, ông thì được tôn làm người thầy mẫu mực của muôn đời (Vạn thế sư biểu), được các bậc đế vương tôn vinh bằng hình thức tế lễ hàng năm tại văn miếu. Trong học thuyết của mình, Khổng Tử nhấn mạnh nhiều đến Vua và bộ máy quan lại, còn thể chế chính trị thì ông coi mô hình Nhà Chu là mẫu, nên không bàn tới nhiều, ngoài những lời ca tụng. Người làm vua là người  nhận lệnh trời (thiên tử). Đó là ngôi vị bất khả xâm phạm, bởi vì ngôi vị ấy có vai trò quyết định đối với toàn thể xã hội. Nhà vua là người cai trị thiên hạ, quyết định toàn bộ về mặt chính trị, công việc to lớn nhất của con người và xã hội và cũng là công việc mang lại hiệu quả nhanh nhất đối với đời sống khẳng định tác dụng xã hội to lớn và quy mô vĩ mô của chính trị là một cống hiến xuất sắc của Khổng Tử.
Nhận mệnh trời, tức là làm theo ý muốn của Trời, nhưng ý muốn của Trời lại thể hiện qua nguyện vọng của nhân dân, vậy suy cho cùng, người làm vua là phải làm theo ý dân, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, cho nên người nào có được lòng dân người đó có cả thiên hạ (Lưu Bang –Hán cao tổ). Tam đoạn luận này có vai trò cốt lõi trong tư tưởng chính trị Trung Quốc theo cả hai nghĩa: Thứ nhất, nó là nguyên tắc cơ bản nhất trong cái đạo làm vua, mà tất cả những ông vua nào có ý thức được trách nhiệm của mình không thể xa rời, mặt khác, nó cũng là tiêu chuẩn cho một ông vua được công bố trước bàn dân thiên hạ, là thước đó đánh giá một đường lối, chủ trương chính trị. Trong thực tế chính trị, do những quan hệ chính trị được chi phối, do sống sung sướng và cách xa đời sống và do ý thức hệ giai cấp, phần lớn các ông vua đều không hành động như lời giáo huấn này (lấy ví dụ minh chứng), và lịch sử chính trị Trung Quốc đã chứng minh rằng bất kỳ một ông vua hay một triều đại nào đi ngược lại nguyên lý này thì đều sớm muộn gì cũng bị lật đổ.
Tư tưởng này đã có truyền thống lâu đời trước Khổng Tử. Trong kinh thư, một bộ sách ghi lại những tuyên cáo chính trị từ các triều đại trước, một trong 5 bộ sách cổ mà Khổng tử sưu tập và san định (Thuật nhị bất tác – sưu tầm mà không thêm bớt) đã nhiều lần nhắc lại nguyên lý đó: “Trời thương dân, dân muốn điều gì trời cũng theo”; “Trời trông thấy tự ở dân ta trông thấy. Trời nghe thấy sự ở dân ta nghe thấy”; “ cái sáng suốt ở trời là cái sáng suốt của dân làm rõ điều lành ở Trời là cái điều lành mà dân làm rõ...trên trời dưới dân thông đạt với nhau. Vì vậy, người làm vua phải kính ghi trong lòng. Thực tình, lời khuyến cáo chính trị “nước lấy dân làm gốc” đã có từ trước Khổng tử rất lâu: Dân duy bang bản – dân giống như nước, có thể chở thuyền, có thể lật thuyền (Kinh thư). Có thể nói, Khổng tử rất tâm đắc với nguyên lý này, ông nhiều lần nhắc lại và phát triển thành những tư tưởng chính trị có tính định hướng bản chất cho nền chính trị tốt. “Phải thích cái thích của dân, phải ghét cái ghét của dân” (đại học) (liên hệ với Hồ Chí Minh). “Dân lấy vua làm tâm, vua lấy dân làm thân thể...Tâm nhờ thân thể mà toàn, và cũng vì thân thể mà nguy, vua nhờ dân mà còn và cũng vì dân mà mất” (Lễ ký, Tri y, 33). Dẫu sao, gọi là lấy dân làm gốc, nhưng cách nhìn nhận của Khổng tử vẫn còn cái nhìn của kẻ bề trên nhìn xuống kẻ dưới, xuất phát từ những lợi ích chính trị, chứ không phải là từ  nhìn nhận đúng đắn vai trò của quần chúng.
Khác với Hàn Phi sau này, Khổng tử không đề cập nhiều tới những ứng xử của nhà vua với bề tôi và dân chúng, mà đè cập nhiều đến cũng chỉ chung chung như “Tiếp dân phải kính cẩn như trong đại lễ”, “lấy lễ mà sai khiến bề tôi”...Phần mà ông dụng công hơn cả là việc xây dựng một nền cai trị ổn định, có tôn ti trật tự, có ý nghĩa nhân văn. Đó là nên cai trị bằng Lễ, trong đó người cai trị và bị cai trị đều lấy đạo Nhân làm nền tảng tư tưởng. Lịch sử gọi đó là nền chính trị Nhân trị. Khổng tử khẳng định rằng cách thức cai trị này hơn hẳn cách thức cai trị bằng pháp luật. Cai trị bằng pháp luật cũng có thể đạt tới việc ổn định xã hội, nhưng được như vậy chỉ có chỗ nguwoif dân vì sợ mà phải theo, còn cai trị bằng Lễ thì dân không chỉ theo mà còn tự mình tốt lên được. Nguồn gốc sự khác nhau đó là ở chỗ nguwoif cai trị bằng pháp luật dựa vào thế lực mà ban hành pháp luật, rồi lại dùng sức mạnh bắt dân có tán thành pháp luật hay không. Còn cai trị bằng Lễ là dạy lễ cho nhân dân, dân bị thuyết phục bởi cái hay, cái phải của lễ mà tự nguyện làm theo, đo đó hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
Nhân và Lễ là hai mặt trong cấu trúc tư tưởng Nhân trị. Chỉ có khi đạt được Nhân, thì mới có thành công của việc cai trị bằng Lễ. Do đó Nhân là động lực của việc cai trị bằng Lễ. Ngược lại, Lễ lại là biểu hiện của Nhân, bởi vì Nhân có hai bình diện: Vi mô và vĩ mô. Ở mức độ vi mô, Nhân trước hết là yêu thương con người, biểu hiện qua những quan hệ giữa cá nhân với cá nhân như phải nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, hiếu với cha mẹ, phải giúp bạn đạt được những gì mà mình muốn đạt được (kỷ sở dục đạt, đạt nhân dã), còn điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác ( kỷ sở bất dục, vạt thi ư nhân)...Còn ở mức độ vĩ mô, đó là ý thức về chính trị, là việc tự kiềm chế mình, tự kiểm soát mình, không bao giờ tự cho phép mình, tự kiểm soát mình, không bao giờ cho phép hành động vượt qua quá khuôn khổ của lễ giáo (khắc kỷ phục lễ vi nhân). Đó mới là Nhân.
Khái niệm Lễ trong tư tưởng Khổng Tử và Nho giáo có ba ý nghĩa: Tín ngưỡng, đạo đức và chính trị. Trong ý nghĩa tín ngưỡng, Lễ là những quy định về ý nghĩa và nghi thức để thực hiện các tín ngưỡng từ tế Trời, tế Thần, thờ cúng tổ tiên và tất cả các hoạt động thờ cúng khác. Trong ý nghĩa đạo đức: Lễ là những quy định về hành vi ứng xử trong các tình huống khác nhau như con cái với cha mẹ, quan hệ vợ chồng, bạn bề, trên dưới...có những điều được ghi chép thành những gia quy, gia huấn, có những điều hình thành và được duy trì như những tục liệu, những điều mà chưa có tiền lệ thì tự mỗi người phải ứng xử sao cho đối tác vừa lòng và thừa nhận là người có lễ độ. Còn trong học thuyết chính trị của Khổng tử, khái niệm được coi như những quy định về ứng xử trong quan hệ chính trị, phù hợp với địa vị của mình và của đối tác. Do đó, nó cũng đồng nghĩa với phép tắc hay có thể nói nó có ý nghĩa như luật lệ mà việc tôn trọng chúng sẽ đảm bảo trạng thái ổn định cho bộ máy nhà nước và đời sống chính trị theo yêu cầu của ý thức hệ phong kiến “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con” (lễ chi dụng dĩ hòa vi quý – cái dụng của Lễ là ở chỗ nó lấy sự hòa làm quý), “Lễ đối với việc sửa sang chính sự giống như cái cân đối với việc nặng nhẹ, cái dây đối với vật thẳng cong, cái quy cái củ đối với vật tròn vật vuông vậy” (Lễ ký, Kinh giải XXVI)
Như vậy, Khổng giáo có tham vọng dùng khái niệm Lễ như toàn bộ những quy định về hoạt động của con người trong đời sống xã hội: “đạo đức nhân nghĩa không có đức không thành, sửa đổi phong tục không có Lễ không đủ, xử việc phân tranh kiện tụng không có Lễ không thể giải quyết, vua tôi, trên dưới, cha con, anh em không có Lễ không định, học làm quan, thờ thầy không có Lễ không thân, xếp đặt thứ tự trong triều, sai khiến quân lính đi làm quan, thi hành pháp lệnh không có Lễ không uy nghiêm, cầu khấn tế tự, phụng sự quỷ thần không có Lễ không kính” (Lễ ký – khúc lễ thượng)
Khổng Tử và các nhà nho sau này đánh giá cao Lễ hơn pháp luật bởi vì Lễ có khả năng trở thành cơ chế tự điều chỉnh hành vi của mỗi người, điều đó được dạy về đạo nhân, bị thuyết phục và thực hiện Lễ một cách tự nguyện. Do đó nó có thể làm cho mỗi người tự ngăn mình mỗi khi định làm điều xấu, điều ác, điều đáng xấu hổ: “Phàm cái biết của người ta là chỉ biết cái có rồi, không được biết cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có, còn pháp luật thì chỉ cấm được cái đã có rồi”( Lễ ký – Tế pháp), “ Lễ là cấm sự loạn sinh ra như con đê giữ nước vậy”
Khi đã có Nhân và Lễ thì người ta sẵn sàng tự nguyện đảm đương và hoàn thành những công việc mà người ta cho là mình có trách nhiệm phải làm, và trở thành người có nghĩa, thậm chí là người sống có đại nghĩa, tức là sẵn sàng làm mọi chuyện, kể cả hy sinh mạng sống của mình hay những người thân của mình vì sự sống còn của quốc gia, của chính thể (sát thân vì đại nghĩa)
Có thể hình dung học thuyết Nhân trị của khổng tử gồm ba nội dung: Giáo hóa, chính danh định phận và răn đe bằng hình phạt
Giáo hóa tất nhiên có vai trò then chốt, là tiền đề để thực hiện nề Nhân trị. Giáo hóa là Dạy ai? Dạy cái gì? Khổng tử công khai tuyên bố: dạy tất cả, từ vua quan đến dân chúng ai ai cũng phải học Nhân, học Lễ, học những đức tính khác như trí tín, khoan dung, độ lượng...ông còn nhấn mạnh tính chất tiền đề cảu giáo hóa trong cai trị bằng một lời răng đe “Không dạy dân để dân phạm tội mà giết thì gọi là ngược, không răn bảo trước mà muốn thành việc ngay, ấy là hung bạo” (Luận ngữ - nghiêu viết)
Bởi vì lễ là hình thức biểu hiện của người có đạo Nhân, cho nên dạy Lễ chính là dạy Nhân, thông qua dạy Lễ, giải thích ý nghĩa của cái Lễ đó là để người ta hiểu Nhân. Nền giáo dục Nho giao rất quan tâm đến vấn đề dạy lễ là vì vậy. Nếu lễ được thấm nhuần, thì chứng tỏ là mọi người đã chấp nhận nó, hiểu nghĩa đạo Nhân của nó, tự mình hành động theo nó, ước thúc và tự kiểm soát mình để giữ cho minh và mọi người hoạt động rong khuôn khổ đó, thế là xã hội thái trong bình mẫu có trên có dưới (tôn ti) của trật tự nhà Chu.
Trong việc giáo hóa, mà cụ thể là dạy Lễ, Khổng tử rất coi trọng giáo hóa bằng nêu gương (liên hệ bác hồ). Chính những người cai trị phải nêu gương sáng về Nhân và Lễ. Nhân trị là nền cai trị dựa căn bản trên thuyết phục, và cái đó có tính thuyết phục cao nhất, quyết định nhất chính là nhân cách của bản thân những người đại diện cho Nhân và Lễ thông qua cuộc sống của chính người đó. Khổng tử coi việc các nhà cai trị tự tỏa sáng cái Nhân, cái Lễ của mình như là cái gốc việc cai trị, Ông nói: “Cai trị bằng đưucs là làm giống như sao bắc đẩu. Tự cho mình tỏa sáng thì muôn sao sẽ chầu về” (Luận ngữ - Vi chính). Làm chính trị đại thể là làm cho mọi sự đâu vào đấy, làm cho mọi việc trở thành có nề có nếp, chính đáng, do đó bản thân người cai trị phải chính đáng, “lấy cái sự chính đáng mà sai khiến người thì ai mà dám không ngay thẳng”; “mình ngay chính thì không sai khiến người ta cũng làm, mình không ngay thẳng thì dù có sai khiến cũng không ai theo”.
Thực chất, vấn đề làm gương của con người đứng đầu tổ chức, thể chế chính trị là một trong những nguyên tắc tối cao của thể chế chính trị phương đông truyền thống. Nó có ý nghĩa thực tiễn và tính phổ biến sâu sắc. Khổng tử nhấn mạnh: “Một ngày giữ mình được Lễ thì ngày đó thiên hạ cũng theo về đạo nhân”.
Trong tư tưởng chính trị Phương Đông người ta mặc nhiên chấp nhận chế độ chuyên chế. Với cơ sở là công xã nông nghiệp tương đối độc lập và tản mát, các xã hội phương Đông cổ truyền là cơ sở xã hội lý tưởng cho chế độ chuyên chế và nó cũng hình thành, tồn tại một cách khách quan đúng như Mác đã nói. Hầu như không có một nhà tư tưởng chính trị nào hình dung nổi một chế độ mà trong đó quyền lực không tập trung vào tay một người, thành thử ước mơ có một ông vua sáng là ước mơ muôn đời của các xã hội phương đông truyền thống. Đó là lý do Khổng Tử đặt yêu cầu về việc tự nêu gương của người cai trị như một yêu cầu nghiêm cách, có tính chất quyết định đối với toàn bộ nền nhân trị. Khổng Tử khuyến cáo bằng một thứ ngôn từ khẩn thiết: “Từ thiên tử cho tới thứ dân, ai ai cũng phải lấy tu thân làm gốc” (Đại học), bởi vì đó là cơ chế căn bản cho việc Lễ được xác lập và củng cố.
Lễ được duy trì thì chính danh mới được xác lâp. Nếu giáo hóa là tiền đề cho nền Nhân trị thì chính danh là Nội dung, là cơ chế của nền cai trị đó. Học thuyết Chính danh chung quy chỉ có hai tư tưởng cơ bản, tư tưởng về chế độ chính trị chuyên chế và tư tưởng về cơ chế quan lại cùng trật tự xã hội.
Về chế độ chính trị, tư tưởng của Khổng tử là khôi phục chế độ chính trị nhà Chu, nhưng đã được sửa đổi cho phù hợp với vai trò của tầng lớp địa chủ mới đang ngày càng nhiều và thế lực ngày càng mạnh. DO đó ông chủ trương chia sẻ vai trò thống trị giữa hai bộ phận quý tộc thị tộc và địa chủ phi quý tộc thực hiện chủ trương không chỉ đưa vào bộ máy cai trị học hàng thân thích , mà còn cả những người có tài phi quý tộc (trọng hiền). Ông vua là người nắm trọn cả quyền thiết lập quan hệ chính trị và bắt tất cả thiên hạ phải tuân theo những quan hệ chính trị ấy bằng bạo lực. Vua là con trời quan lại là cha mẹ dân, phải dạy dân về Lễ cho dễ sai khiến và phải xứng đáng với địa vị làm vua làm quan.
Về cơ chế vận hành của bộ máy quan lại, Khổng tử đòi hỏi mỗi một chức quan lại đều phải được xác định rõ ràng (chính danh), tức là kể cả quyền và trách nhiệm. Đó là tiền đề cho bộ máy cai trị có thể vận hành được và làm cho xã hội ổn định, dân được bình yên. “ Danh không chính thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì việc không thành, việc không thành thì không dụng được khuôn phép, khuôn phép không dụng được thì hình phạt không trúng, hình phạt không trúng thì dân chẳng biết làm thế nào cho phải” (luận ngữ - tử lộ), mà suy đến cho cùng thì dân không biết làm thế nào cho đúng thì sẽ dẫn tới loạn, xã hội suy tàn.
Trật tự chính trị, trật tự xã hội mà Khổng tử đề cập tới và bảo vệ là một chế độ phụ hệ phong kiến, trong đó “vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con”. Xã hội ấy có ba (cũng có khi ông nói 5) mối quan hệ căn bản là tam cương: Vua –tôi; cha-con; chồng – vợ, hay năm ngũ thường là: vua – tôi; cha – con; thầy-trò; chồng –vợ; anh-em. Vua lấy Lễ mà khiến bầy tôi, bầy tôi lấy chữ Trung mà thờ, cha mẹ đối với con thì phải vừa nghiêm, vừa khoan dung, con cái lấy chữ hiếu mà thờ cha mẹ...những đặc trưng đó đối với người phương đông vẫn còn là quen thuộc.
Việc sử dụng hình phạt là phần bổ sung cho chính danh nhưng cũng có thể xem như phần không thể thiếu được. Hình phạt chỉ áp dụng khi mà giáo hóa không được, hoặc không thể chờ đợi sự giáo hóa vì những nhu cầu xã hội. Khổng Tử cũng rất ít đề cập đến hình. Trong Khổng Tử gia ngữ mới thấy ông nói tới rõ rệt nhất: “Thánh nhân trị dân và giáo hóa dân phải dùng cả chính lẫn hình. Bậc vua tài giỏi lấy đức dạy dân, lấy lễ an dân. Không được thế này thì lấy chính sự để sai khiến dân và lấy hình mà ngăn cấm, hình đặt ra nhưng không dùng đến. Chỉ khi nào giáo hóa mà không theo, phạm đến gia, suy đồi những nếp sống hay thì mới dùng hình”
Học thuyết chính trị Khổng tử được xem là phù hợp nhất đối với một xã hội phương Đông điểm hình, xã hội Trung quốc cổ truyền và các xã hội khác nhau chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc cổ truyền và các xã hội khác nhau chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Nguyên nhân căn bản là nó được xây dựng trên cơ sở tính tới những đặc điểm truyền thống của những xã hội đó; sự tồn tại dai dẳng của những dấu vết thị tộc (quan hệ huyết thống). Trong đời sống cơ sở với kết cấu làng xã, môi trường lâu đời cho chế độ chuyên chế; nhu cầu thống nhất và ổn định trật tự xã hội ở một quốc gia rất đa dạng về địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn luôn tiềm ẩn khả năng cát cứ của những thế lực phong kiến địa phương; những giá trị nhân bản truyền thống nảy sinh từ nền nông nghiệp của một cư dân đông đúc; sự nối tiếp bền bỉ của văn hóa gia đình và dòng họ...sự trì trệ của các xã hội phương Đông thời Trung đại và cận đại chủ yếu là do những quan hệ sản xuất lạc hậu và những yếu tố địa chính trị, chứ không phải lỗi chính ở khổng giáo, mặc dù học thuyết này không chứa đựng những khuyến cáo về phát triển xã hội. Nhưng nếu coi ổn định xã hội là tiền đề cho sự phát triển và tính tự giác bản lĩnh và trách nhệm với cộng động của các thành viên trong xã hội là nguồn động lực cho phát triển, thì học thuyết chính trị của Khổng tử không phải là không hữu ích. Một số quốc gia như Nhật, Hàn, Singapo...vẫn nhìn nhận sự phát triển, phồn vinh của họ có đống góp một phần không nhỏ của Nho giáo.
BCT
Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: