Sunday, January 14, 2018

Mô típ lãnh đạo của các nhà cầm quyền trong lịch sử Trung Quốc

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển, lúc thịnh lúc suy, lúc thống nhất khi phân chia cát cứ, quần hùng tranh giành quyền lực chính trị đã hình thành nên bề dày lịch sử chính trị Trung Hoa.
Theo giới nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, nếu kể cả những ông vua thuộc các triều đại nhỏ thì trong thời kỳ phong kiến nước này tính đến Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi có hơn 300 vị vua chúa, trong đó có 110 ông vua thuộc các vương triều lớn và danh tiếng. Nếu trừ đi một số vua mất sớm, tại vị thời gian ngắn bởi nhiều nguyên nhân và vua của một số nước nhỏ chưa từng thống trị vùng Trung Nguyên, thì còn lại 85 vị Vua. Xét về phong cách cầm quyền, các nghiên cứu cho rằng, các nhà cầm quyền ở Trung Quốc có thể chia làm hai mô-típ: Một là, độc đoán và cứng rắn và thứ hai, là ôn hòa và cân bằng.

Theo mô típ độc đoán và cứng rắn.
Hầu hết các nhà lãnh đạo kiểu này đều có cá tính mạnh mẽ, từng trải qua những thăng trầm và lăn lộn trong cuộc sống, tự tay gây dựng cơ đồ. Khi đã xây dựng được đế chế cầm quyền của mình, họ bắt đầu thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay mình, tự mình quyết đoán, quyết định những quyết sách trọng đại cho dù cấp dưới có ý kiến bất đồng nhưng vẫn bất chấp tất cả, thậm chí sẵn sàng phá bỏ các quy định, quy chế đã có, tự ý đưa ra quy định theo ý riêng của mình. Quyết tâm thực hiện ý đồ của mình bằng mọi giá, nên họ thường mang phong cách quản lý đất nước độc đoán.
Điển hình cho mô-típ lãnh đạo cứng rắn, nhiều khi độc đoán ở Trung, trước hết phải kế đến Tần Thủy Hoàng Doanh Chính (259-210 TCN). Doanh Chính sinh ra ở Hàm Đan, thủ đô nước Triệu. Năm 10 tuổi nước Triệu rối loạn, Chính cùng gia đình chạy sang nước Tần, năm 13 tuổi kế vị Vua, năm 22 tuổi thâu tóm thành công quyền lực cung đình, năm 39 tuổi lần đầu tiên thống nhất Trung Quốc sau một giai đoạn lịch sử dài có nhiều nước nhỏ "tranh hùng".
Tần Thủy Hoàng
Mặc dù nước Tần khi đó rất hùng mạnh, nhưng thường xuyên đe dọa bởi người Hung Nô ở phương Bắc nên Tần Thủy Hoàng ra lệnh khởi động sáng kiến xây dựng Vạn lý trường thành, công trình được các thế hệ tiếp theo hoàn thành trong nhiều thế kỷ và đánh đổi bằng nhiều sinh mạng.Tần Thủy Hoàng tài giỏi, nhưng đồng thời cai trị rất hà khắc, hiếu sát, thanh trừng bất kỳ ai kể cả con và người thân thích, nên bị dân chúng lên án. Năm 246 TCN, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng lăng mộ cho mình sau khi băng hà. Khi đó, Tần Vương mới 13 tuổi. Sau 36 năm xây dựng, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng hoàn thành và ông hoàng này đã qua đời ngay sau đó (vào năm 210 TCN). 
Theo ước tính, 700.000 tù nhân chiến tranh và nô lệ đã tham gia vào việc xây dựng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Sau đó, toàn bộ bị giết chết để không làm lộ bí mật về vị trí lăng mộ. Thậm chí, để có thể an hưởng cuộc sống sung túc như khi còn sống, Tần Thủy Hoàng còn chôn sống các nhân tình, thê thiếp... để họ theo hầu hạ vị hoàng đế này khi ở thế giới bên kia.
Một Tào Tháo (155 – 220 SCN), tự là Mạnh Đức, giống như Tần Thủy Hoàng Đế, Tào cũng lăn lộn, từng trải, nên rất độc đoán chuyền quyền và cũng rất đa nghi, hiếu sát. Tào Tháo là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn khăn vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. 
Tào Tháo
Tương tự, Thiết Mộc Chân (Temüjin, 31/5/1162-25/8/1227), được mệnh danh là “Vua của thế giới”. Sinh ra ở Bắc miền trung Mông Cổ, khi xưng đế vào năm 1206 để lập ra triều Nguyên ông đổi tên là Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan). Ông là người dân tộc Mông Cổ, nhưng Nguyên triều thống trị vùng đồng bằng Hoa Hạ ở trung tâm Trung Quốc, nên được coi là nhân vật lịch sử chung của cả Trung Quốc và Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn còn được các nhà sử học mệnh danh là “ông vua chiến tranh”. Trong ba đời vua, triều đình Nguyên Mông đã phát động những cuộc chinh phạt quy mô lớn từ châu Á sang châu Âu, chinh phục Ấn Độ, chiếm Ai Cập… lập ra một đế chế Á-Âu lớn nhất thế giới. Thành Cát Tư Hãn đã tiêu diệt hơn 40 nước, hơn 720 dân tộc.
Năm 1949 nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập do Mao Trạch Đông đứng đầu, tới nay đã trải qua 5 thế hệ lãnh đạo. Trong năm thế hệ ấy, có thể nói Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đi theo con đường cầm quyền có thiên hướng độc đoán, cứng rắn, điều này cũng xuất phát từ bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Sau khi bị các nước Phương Tây xâu xé, Trung Quốc rất cần một người có đủ quyền uy để thống nhất đất nước, giải phóng thoát khỏi sự xâm lược của các nước Phương Tây.
Mao Trạch Đông
Mao Trạch Đông (1893-1976) là người có cá tính mạnh mẽ, là một trong những người sáng lập đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và vươn lên đỉnh cao quyền lực sau nhiều năm "lăn lộn" ở nông thôn với các phong trào nông dân. Khi bị Quốc dân đảng bao vây truy quét ráo riết, Hồng quân Trung Quốc phải tiến hành cuộc Trường Chinh rời bỏ căn cứ Giang Tây lên Thiểm Tây. Trong cuộc trường chinh này quân số của Hồng quân từ 860.000 người chỉ còn lại khoảng 300.000 người.
Năm 1935 khi hành quân tới huyện Tuân Nghĩa tỉnh Quý Châu, Mao đã tổ chức hội nghị thay đổi Ban lãnh đạo và tự lên nắm quyền chỉ huy Hồng quân. Dư luận cho rằng ông là người độc đoán, sùng bái cá nhân, nên trong thời gian nắm quyền ông thực hiện nhiều chính sách cực tả, duy ý chí như cuộc thí điểm “Nhảy vọt lên chủ nghĩa Cộng sản” và “Công xã nhân dân”. Tiếp đó, ông phát động cuộc “Đại cách mạng văn hóa vô sản” trong 10 năm (1966 – 1976), tiến hành thanh trừng hầu hết các chiến hữu của mình, những "khai quốc công thần" bao gồm Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và 9 nguyên soái. Hơn 5 triệu trí thức và hơn 3 triệu cán bộ lão thành bị liên lụy dưới nhiều hình thức.
Thế hệ lãnh đạo thứ hai của Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình (1904-1997) đứng đầu. Đặng cũng là người có cá tính độc đoán, từng du học ở Pháp và sớm tham gia cách mạng Trung Quốc. Ông ta từng ba lần bị đảng thi hành kỉ luật và ba lần được phục hồi chức vụ.
Đặng Tiểu Bình
Năm 1977, Đặng được phục hồi chức vụ và năm 1978 tại Hội nghị toàn thể trung ương 3 Khóa XI, Trung Nam Hải đã xác lập địa vị lãnh đạo của ông ta. Tương tự Mao, Đặng tự mình ra nhiều quyết sách, và trong đó có những quyết sách tồi tệ, bị dư luận thế giới phản đối mạnh mẽ, bao gồm quyết định phát động cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. Tiếp đó, mặc dù đã nghỉ hưu, không còn giữ chức vụ trong đảng nhưng Đặng vẫn đủ quyền lực và ảnh hưởng để hạ bệ Tổng bí thư Hồ Diệu Bang năm 1987, tiếp đó là Tổng bí thư Triệu Tử Dương năm 1989 mà không cần tuân theo các trình tự. Ngày 15/5/1989 khi hội đàm với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tại Bắc Kinh, Triệu Tử Dương nói: "Mặc dù không thành văn bản, nhưng đảng chúng tôi quy định trước khi quyết định những vấn đề trọng đại đều phải xin ý kiến đồng chí Đặng Tiểu Bình, cho dù đồng chí đã nghỉ hưu."

Mô típ cầm quyền ôn hòa, mềm mỏng hơn
Một số người cầm quyền dạng này trong lịch sử Trung Quốc cũng từng trải, lăn lộn với cuộc sống, có cá tính riêng nhưng không mạnh mẽ, trong thời chiến cũng như thời bình biết lắng nghe ý kiến của quần thần và cấp dưới. Họ được lòng các quần thần, các bộ hạ tài ba, nên được tận tâm giúp sức. Nhóm này thâu tóm quyền lực trong tay, nhưng không kiểm soát quyền lực một cách độc đoán mà thường "ngả" theo quan điểm của tập thể khi quyết định những sự kiện trọng đại.
Điển hình cho loại thứ hai có thể kể đến Hán Cao Tổ Lưu Bang (256 – 195 TCN). Ông được giới nghiên cứu Trung Quốc gọi là “ông vua bình dân áo vải”.
Hán Cao Tổ Lưu Bang
Sau khi đánh bại Hạng Vũ, lập ra nhà Hán vào năm 206 TCN, Lưu Bang đã tổng kết bài học kinh nghiệm về chiến thắng của mình với các quần thần như sau: “Sở dĩ ta đánh thắng Hạng Vũ là do ta biết sử dụng những người tài hơn ta. Mưu lược trong màn trướng để đánh thắng ngoài chiến trường, ta không bằng Trương Lương. Để cầm quân trăm trận đánh, trăm trận thắng ta không bằng Hàn Tín. Để trấn an quân lính, tính toán chu toàn đảm bảo hậu cần quân lương đầy đủ, ta không bằng Tiêu Hà. Để duy trì kỉ cương trong nội cung ta không bằng Trần Bình. Còn Hạng Vũ có nhiều tướng giỏi như Phạm Tăng cũng không biết sử dụng."
Lưu Bị (161-223), một nhà quân phiệt thời Tam Quốc, đứng đầu nước Thục tranh hùng với Tào Tháo của Ngụy và Tôn Quyền của Ngô trong thời gian 60 năm (220-280). Ông kết nghĩa với Quan Vũ, Trương Phi và luôn tìm kiếm thu hút người tài giỏi về phò tá. Điển hình là sự tích được nhiều sử truyện lưu lại về việc Lưu Bị chiêu mộ Gia Cát Lượng - gọi là “tam cố lưu thảo”.
Một trường hợp khác, Đường Thái Tông Lý Thế Dân (598-649) là một nhà cai trị thành công. Ông được ghi nhận là người biết lắng nghe ý kiến quần thần và khá được lòng dân chúng. Ông đã giúp nhà Đường phát triển mạnh mẽ - “Đại Đường thịnh thế” và tồn tại gần 300 năm (618-907). Theo số liệu của các nhà nghiên cứu, GDP của nhà Đường năm 820 đạt tới 34.8 tỉ USD, chiếm 58% tổng GDP của thế giới, trong khi của Ấn Độ chỉ có 4.2 tỉ USD, chiếm 7%. GDP của Anh và Pháp chỉ có 800 triệu USD, chiếm 1.38% GDP thế giới.
Lý Thế Dân
Trong năm thế hệ lãnh đạo mới của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa, Giang Trạch Dân là người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ ba của Trung Quốc. Ông được xem là một nhà lãnh đạo theo trường phái ôn hòa, dân chủ, ít độc đoán hơn. Năm 1989 khi ông đang làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải thì bất ngờ được điều động lên Bắc Kinh làm Tổng bí thư thay Triệu Tử Dương vừa bị hạ bệ.
Lên nắm quyền trong giai đoạn chính trường Trung Quốc diễn biến phức tạp, Giang được cho là hành động thận trọng và lắng nghe ý kiến các vị lão thành của ĐCSTQ giai đoạn 1989-1997, đặc biệt là thái độ của Đặng Tiểu Bình.
Giang Trạch Dân xuất thân từ dân sự, nên mặc dù giữa chức Chủ tịch Quân ủy trung ương, Giang phải mất nhiều năm để giành quyền kiểm soát quân đội. 
Người kế nhiệm Giang, Hồ Cẩm Đào là thế hệ đạo thứ 4 của ĐCSTQ. Năm 1974 khi giữ chức Thư ký Ủy ban xây dựng tỉnh Cam Túc, Hồ được Tống Bình khi đó là Bí thư tỉnh ủy Cam Túc chú trọng bồi dưỡng. Khi Tống Bình được điều về Bắc Kinh, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị (1987-1992) và Thường vụ Bộ chính trị (1989 -1992) phụ trách công tác tổ chức của đảng, đã giới thiệu Hồ Cẩm Đào với Đặng Tiểu Bình để đào tạo bồi dưỡng theo con đường Đoàn thanh niên Cộng sản, nên năm 1985 Hồ Cẩm Đào từng giữ chức Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên Cộng Sản. Trong Hội nghị trù bị Đại hội XIV của ĐCSTQ họp tháng 10/1992, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị Hồ Cẩm Đào là “người kế thừa” địa vị lãnh đạo của Trung Quốc “thời kỳ sau Đặng Tiểu Bình”. Khi đó, Hồ Cẩm Đào mới 49 tuổi, một nhân vật từ trước đó chưa có danh tiếng gì, đã nghiễm nhiên ngồi vào ghế Ủy viên thường vụ Bộ chính trị khóa XIV (10/1992) làm dư luận trong và ngoài nước đều sửng sốt.
Đến nay, Tập Cận Bình, người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc, đã chính thức được xác lập vai trò "lãnh đạo hạt nhân" của ĐCSTQ, tương tự như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào cuối năm nay, Tập được cho là đã củng cố được quyền lực trong đảng, nhà nước và kiểm soát được quân đội, thông qua cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" cùng cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn. Ông đã khởi xướng khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa" và sáng kiến "Một vành đai, một con đường", những chính sách mang màu sắc riêng của ông Tập được kỳ vọng sẽ trở rõ nét hơn ở nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong suốt hơn 5000 năm lịch sử hình thành và phát triển của mình, nền văn minh Trung Hoa đã sản sinh ra nhiều anh tài kiệt xuất, nhiều nhà lãnh đạo tài ba, góp phần làm nên lịch sử Trung Hoa. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử khác nhau, phong cách lãnh đạo của họ không chỉ mang tính chủ quan mà còn mang tính khách quan, còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố. Do đó, để đánh giá mức độ dân chủ hay độc đoán của nhà lãnh đạo chỉ có tính chất tương đối, có giá trị tham khảo nhất định.
 Tổng hợp BCT 


Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: