”Gần như tất cả
mọi người đều có thể chịu đựng được nghịch cảnh. Nhưng nếu muốn kiểm tra tính
cách của một người nào đó – hãy trao cho anh ta uy quyền” - Abraham Lincoln
Quyền lực
chính trị là quyền lực của một giai cấp hay liên minh giai cấp để thực hiện sự
thống trị chính trị trên cơ sở thực hiện chức năng công quyền, cơ bản bằng quyền
lực nhà nước, là năng lực áp đặt và thực thi các giải pháp phân bổ giá trị xã hội
có lợi cho giai cấp mình và đảm bảo mức độ nhất định sự công bằng xã hội. Bản
chất của quyền lực chính trị là quan hệ giữa các giai cấp trong việc giành, giữ
và thực thi quyền lực nhà nước. Quyền lực
chính trị là một chất gây nghiện, giống như ma túy, nó làm cho con người ta mất
đi tính lý trí của mình nếu như không tỉnh táo và đủ bản lĩnh, trí tuệ để ngồi
lên chiến ghế “quyền lực”. Quyền lực bao giờ cũng có tính tha hóa của nó, làm con người ta biến tính, thay đổi, “quyền lực
tuyệt đối thì dẫn tới tha hóa quyền lực tuyệt đối”. Và sự tha hóa quyền lực diễn
ra ở nhiều cấp độ, mức độ khác nhau.
Thứ nhất, ở mức
độ đơn giản, quyền lực mà đặc biệt là quyền lực chính trị nó làm thay đổi những
“tính chất” của cá nhân người có quyền lực. Một người trước khi chưa có quyền lực
có thể ghét ca tụng, xu nịnh, chạy chọt, nhưng khi có quyền lực thì thích được
ca ngợi, được tung hê, được tôn trọng, được nịnh nọt. Cũng có khi người đó đáng
được ca ngợi, đáng được tôn trọng thực sự nhưng dù vậy, sự say sưa với những “lời
có cánh” đó có thể bắt đầu một nấc thang của sự tha hóa. Một người không thích
bị phê phán dễ dẫn đến trả đũa người đã phê phán, dần dần không còn ai muốn góp
ý, phê bình để mặc mọi việc muốn ra sao thì ra. Khi có quyền lực thì bắt đầu thể
hiện tính “độc tôn”, mình phải là nhất, phải trên người khác, phải sai bảo người
khác, dần dần dẫn tới độc đoán, bảo thủ và chuyên quyền. Như vậy, quyền lực nó ảnh
hưởng trực tiếp đến tính cách của một con người, nó dễ làm cho con người ta
hoang tưởng, dễ độc đoán và thích được tôn thờ.
Thứ hai, quyền
lực làm cho con người ta quá lạm dụng lợi ích các nhân. Sinh ở đời ai cũng vì
cái lợi mà làm việc, mà đấu tranh. Bản chất của chính trị cũng là lợi ích, đấu
tranh giành quyền lực chính trị cũng là vì lợi ích chính trị. Nhưng trước hết,
quyền lực nó làm con người ta tha hóa từ sự tư lợi của cá nhân người ngồi trên
chiếc ghế “quyền lực”, người có quyền lực được nhiều người vây quanh, săn
đón... khi đó quyền lực bắt đầu gắn với những lợi ích cụ thể. Đi
xe có người chở hoặc đưa đón, trời mưa có người cầm dù, ăn uống có người thanh
toán, lúc nào cũng có quà cáp, mỗi biểu thị thái độ nào đó đều được “đoán” để
làm vừa lòng một cách tốt nhất. Một
khi đã lâm vào trận địa của của lợi, thì người ta càng khó vùng
vẫy, khó tự rứt ra được, bởi từ lợi ích tinh thần đã chuyển sang lợi ích vật chất
mà vật chất vốn dễ cám dỗ hơn tinh thần rất nhiều.
Thứ ba, quyền
lực làm cho con người ta “tham quyền, cố vị”, chạy chức chạy quyền. Từ hai tính
tha hóa các nhân và lợi ích bản thân ở trên. Quyền lực chính trị dần dần đưa
con người ta vào con đường danh lợi, bằng mọi cách để “tham quyền, cố vị” muốn
giữ “ghế” lâu hơn để được kẻ đưa người đón, để được quà này quà khác. Rồi dần lợi
dụng chức vụ và quyền hạn để chạy chức, chạy quyền, đưa người thân, người quen
vào những địa vị trong bộ máy nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn
tới tham nhũng và làm giảm hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đặc
biệt, ở cấp độ cao hơn nữa là đấu đá tranh giành quyền lợi, chức vụ để leo lên
cấp capo hơn. Khi có quyền lực thì có quyền nắm trong tay quyền bố trí các vị
trí béo bở, ai muốn vị trí nào thì sẽ “quy đổi” bằng các lợi ích để được vị trí
đó, thậm chí có một sự “đấu giá ngầm” nếu có nhiều người cùng muốn ngồi ở cái
ghế đó. Hay
nắm trong tay quyền quyết định phân bổ các dự án “hốt bạc”, ai muốn có dự án
nào phải “lại quả”, phải “biết điều”..., dĩ nhiên bằng các cửa sau. Quyền lực
lúc này là thứ sinh ra lợi chứ không phải chỉ để được tung hê một cách “có tiếng”
hay chỉ “được miếng” nhỏ nhặt. Ở nấc thang này, mấy ai dám từ bỏ, trừ khi họ bị
buộc phải từ bỏ.
Thứ tư, ở cấp
độ cao hơn nữa, là quyền lực chi phối hoàn toàn người ngồi lên nó, buộc con người
ta không còn đường lui để mà thoát thân. khi quyền lực đủ mạnh khiến người ta
chỉ làm theo ý mình, không muốn lắng nghe ai, không chấp nhận lời can gián, thậm
chí tìm cách triệt hạ người không “thuận” với mình. Họ
muốn duy trì quyền lực càng lâu càng tốt, bởi quyền lực không chỉ là lợi ích,
là vị trí mà còn để bảo vệ cho họ khỏi các sự công kích, trả thù của các đối thủ,
sự trừng phạt của công lý. Sự vùng vẫy trong quyền lực lúc này càng mạnh mẽ, kẻ
vây quanh điếu đóm không ít thì người bị trả đũa càng nhiều. Lúc này, muốn kẻ
tha hóa “xuống nước” với quyền lực của mình chỉ có thể qua con đường thỏa hiệp,
trao đổi hoặc chờ khi mắc sai sót lớn mới có thể hạ bệ. Dĩ nhiên, không ai mãi
mãi sáng suốt, không ai bị quyền lực sai khiến, bị lợi ích chi phối mà không mắc
sai lầm. Khi đó, các đối thủ sẽ tìm cách triệt hạ hoặc công lý sẽ được thực
thi. ở mức độ này, thì quyền lực đã gần như chi
phối được người nào có quyền lực, nó buộc người có quyền lực “nhúng chàm” tham
nhũng, chạy chọt địa vị, độc đoán, mất dân chủ...và hệ quả của nó là bị người
khác nắm rõ và có muốn rút lui cũng khó. Lúc này, nếu rút lui sẽ mất đi bao
nhiêu quyền lợi, đặc biệt là lợi ích vật chất, cái mà con người ta rất khó để từ
bỏ khỏi nó.
Như vậy, quyền
lực mà đặc biệt là quyền lực chính trị nó làm con người ta tha hóa ngay từ những
điều tưởng chứng như không có vấn đề gì, từ những cái nhỏ nhất mà con người ta
không để ý tới, để rồi dần dần nó lấn sâu, chi phối tính lý tính của con người,
đỉnh cao nhất là nó buộc người ngồi lên chiếc ghế phải làm theo mệnh lệnh của “quyền
lực”. Sức “nóng của quyền lực là điều hầu như không thể cưỡng lại được đối với
bất kỳ ai. Nếu như không đủ tỉnh táo, đủ đạo đức, đủ thông tuệ để kịp sửa mình,
không đủ bản lĩnh để lắng nghe người khác góp ý mà cầu toàn thì rất dễ bị sa
vào con đường “tha hóa quyền lực”, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi khi
chưa hiểu thấu được hết “đời sống nhân gian”, chưa nếm trải được “vị nhân gian”
nên rất dễ mắc vào căn bệnh tha hóa quyền lực. Xin hãy nhớ rằng “những dấu chân
của quyền lực thường là những dấu chân trên cát” - Edward Counsel. Những cơn
gió vẫn mải miết thổi qua nơi ấy, và sẽ chẳng để lại gì trên bờ cát thời gian.
BCT
0 comments: