Monday, January 15, 2018

Khuyến học - Fukuzawa Yukichi

"Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm"
Nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, khí hậu khắc nghiệt, đất nước gần như bị hủy hoại hoàn toàn sau thế chiến thứ II. Nhưng chỉ sau vài thập kỷ, Nhật Bản đã vững vàng đứng trong số các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Vậy điều gì đã tạo nên sự thần kỳ ấy? Nguồn tài nguyên duy nhất Nhật Bản có đó là con người. Nhưng ở thế kỷ XIX Nhật Bản cũng như các nước Châu Á khác vẫn bị kìm kẹp bởi những tư tưởng phong kiến lỗi thời, lạc hậu, “học vấn ở đâu cũng chỉ toàn là Hán học”, “chế độ phong kiến đã áp đặt trật tự xã hội từ hàng ngàn năm trước thế nào thì nay vẫn thế”. Vậy làm thế nào để thay đổi những con người với những tư tưởng ấy? Khuyến học của Fukuzawa Yukichi đã làm được điều đó.
Khuyến học của Fukuzawa Yukichi 
 Khuyến học”, được Fukuzawa Yukichi viết trong thời gian từ năm 1872 - 1876. Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông, nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng 35 triệu người. Và kể từ đó đến nay, cuốn sách này đã được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko đã tái bản đến 76 lần. Nhìn vào những con số ấy cũng đủ để hiểu được sự cuốn hút của tác phẩm đối với công chúng lớn đến thế nào.
 Khuyến học - một cuốn sách có cái tên không mấy hấp dẫn của Fukuzawa Yukichi. Nếu chỉ xem qua nhan đề, người đọc sẽ tưởng tưởng ra những giáo lý quen thuộc khuyên răn về sự học mang hơi hướng “dùi mài kinh sử” của các bậc Nho gia thưở trước. Trí tò mò chỉ thực sự xuất hiện khi lần mở từ trang sách đầu tiên cho đến khi gấp lại cuốn sách, người đọc mới thực sự hiểu điều gì đã làm cho Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế như hiện nay. Đó là Giáo dục.
Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi không đề cập nhiều đến nội dung, phương pháp, cách thức học như nhiều cuốn sách thường thấy mà tác giả chỉ đề cập đến tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Sách gồm 17 chương, gần 250 trang sách là câu chuyện hấp dẫn về sự tự giáo dục, tự nhận thức, tự hoàn thiện của mỗi con người và của cả hệ thống. Mỗi chương tác giả bàn đến một vấn đề nhưng chung quy lại đều có nguyên nhân từ sự học, đó là sự bình đẳng, quyền con người; ý nghĩa, mục đích của nền học vấn mới; trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị... Vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, sự phục tùng, tâm lý phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính quyền phong kiến Mạc phủ, với tuyên ngôn "Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người", Fukuzawa Yukichi đã làm lay chuyển tâm lý, gây kinh ngạc và bàng hoàng cho đa số người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị lúc bấy giờ.
Về học vấn, tác giả khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn: Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt”, “Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi”. Từ việc đề cao giáo dục, khẳng định giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, tác giả đề cập phải "học cái gì?". Ông phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực học” trên nền tảng khoa học hiện đại của phương Tây nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao tinh thần độc lập của người Nhật Bản. Ông cho rằng: “Dù có nhồi nhét tri thức đầy trong đầu, nhưng không thể ứng dụng vào hành động thực tế thì cũng vô nghĩa” - nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hàng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập và tính thực dụng cao mà ai cũng phải học, phải trang bị, không phân biệt đẳng cấp, khoảng cách giàu nghèo. Học “thực học”, vậy phải học như thế nào? Đó là, “phải nắm được nội dung chủ yếu của môn học, trên cơ sở đó phải hiểu được bản chất cơ bản của mọi sự vật". Từ việc trả lời hai câu hỏi trên, Fukuzawa nhấn mạnh rằng chỉ có học như thế mới hiệu quả, mới có ích, mới đem đến khả năng giải quyết được những vấn đề mà con người và đất nước Nhật Bản đang phải đối mặt. Mặc dù đề cao việc học tập, tiếp thu tri thức của phương Tây nhưng ông cũng cho rằng việc tiếp thu văn minh phương Tây cũng phải có chọn lọc, phù hợp với truyền thống, tập quán của Nhật Bản. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là "Làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản", để có những quốc dân Nhật trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ Châu Á thành thuộc địa. Và tác giả chỉ ra rằng chỉ khi nào “cá nhân có độc lập thì gia đình mới độc lập. Và như thế quốc gia cũng độc lập”. Mục đích của việc đọc sách để hình thành tính cách độc lập và ứng dụng tri thức vào đời sống thực tiễn để phục vụ đất nước. Đó mới chính là tiêu đích thực sự của giáo dục mà Fukuzawa muốn truyền đạt trong Khuyến học.
Cuốn sách mở đầu với câu “quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn và vô trách nhiệm”, kết thúc ở bìa cuối với câu “đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây”. Trang sách gấp lại như một lời kêu gọi, lời hiệu triệu thức tỉnh những con người nơi xứ sở Phù Tang hãy học để hành động, để thay đổi, trước là vì quyền lợi bản thân, sau là vì quốc gia, dân tộc. Chỉ học vấn mới đủ sức mạnh biến những thân phận nông nô "ăn nhờ ở đậu" trở thành "quốc dân" của đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh ngày nay
Những quan điểm, tư tưởng của Fukuzawa thể hiện trong tác phẩm “Khuyến học” được trình bày thật cụ thể, ngắn gọn, bình dị và dễ hiểu được sắp đặt theo một trình tự mạch lạc nên người đọc ở mọi trình độ có thể dễ dàng tiếp thu mà không cảm thấy nhàm chán, càng đọc, càng nghiền ngẫm, càng thấm thía.
Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong Khuyến học có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bản ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hóa. Và tôi và tin chắc rằng sau khi đọc và ngẫm, bạn cũng sẽ như được truyền một cảm hứng bất tận để thay đổi cách nghĩ và vươn tới những điều lớn lao hơn.
N. T. Thành
 Click theo đường link để tải và đọc sách



Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: