Nhẫn
một lúc trời yên biển lặng,
Lùi một bước biển rộng trời cao.
Nhẫn không có ý là hèn nhát, cũng không
phải là bất tài. Nó không thể thiếu trong trí tuệ loài người, nó là tấm lòng, một
sự hiểu biết, một đức tính tốt. Có thể nói nhẫn nhịn là lọai nghệ thuật bắt buộc
để chúng ta đi đến thành công. Lịch sử đã chứng minh, nhiều bậc anh hùng tài
trí, làm nên nghiệp đế vương lưu danh sử sử sách cũng chỉ hơn nhau ở chữ NHẪN.
Nhẫn luôn là mỹ đức cao đẹp của con
người. chữ Nhẫn bao gồm chữ Đao ở trên va chữ Tâm ở dưới, nghĩa là “lưới dao
trên trái tim”, tức là Tâm mà không chịu nằm yên thì Đao sẽ phập
xuống tức thì. Vậy đấy, tự mình mà nhẫn nhịn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô
sự, bằng không thì tai họa sẽ giáng xuống đầu mình trước tiên. Lưỡi dao ấy ở
ngay trên tâm, và nếu như gặp chuyện mà không biết nhẫn nhịn thì tránh sao khỏi
đau đớn, có nhẫn nhịn mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành
…Hàn Tín vì nhẫn nhịu, chịu nhục chui qua háng mà sau này làm nên chiến công hiển
hách, là công thần dựng nước Triều đại nhà Hán kéo dài hơn 400 năm trong lịch sử
Trung Hoa. Việt vương Câu Tiễn nhẫn nhục quỳ gối xin hang, làm thân trâu ngựa
cho Ngô vương Phù Sai, ngày đêm nếm mật năm gai không quên thù báo nước mà lập
nên nghiệp đế vương sau này. Nếu như không nhẫn nhục thì cả Hàn Tín và Việt
Vương đã phải bỏ mạng một cách vô ích, sẽ không được sử sách ghi công. Tư Mã Ý
không ngại gian khổ chịu nhẫn nhục, giấu mình chờ thời thì không chỉ không thể
lập nên triều đại Nhà Tấn mà còn có thể mất mạng trong tay Tào Tháo lúc nào không hay biết.
Trong lịch sử Trung Hoa, một trong những
bậc quân vương được xem là Đại Nhẫn gây dựng nên triều đại nhà Đường thịnh vượng
đó là quân vương Hiền đức Lý Thầm, tức là Đường Tuyên Tông.
Đường Tuyên Tông ( 27 tháng 7, năm 810 –
7 tháng 9, năm 859), tên thật Lý Thầm là vị Hoàng đế thứ 17 của triều đại nhà
Đường. Ông trị vì từ năm 846 đến năm 859, tổng 13 năm. Lý Thầm lúc nhỏ thường tỏ
ra nhút nhát và kiệm lời, mọi người đều cho là ông tư chất kém cỏi. Vậy nên ông
thường hay bị ghẻ lạnh hắt hủi, trở thành đối tượng bị nhiều người trong hoàng
thất mang ra giễu cợt sau bữa cơm trà. Lý Thầm trở nên im lặng ít nói, tính
cách hay âm thầm sầu não. Ông càng như vậy, những hoàng thân quốc thích lại
càng thừa thế lấn át. Về sau, ai cũng cho rằng ông là kẻ kém trí, là hạng “gỗ mục
không thể điêu khắc được”.
Trải qua các thời Đường Kính Tông và Đường
Văn Tông, triều đình đa sự, Lý Thầm cố gắng trốn tránh không tham gia vào việc
triều chính, và cũng rất hạn chế mở miệng. Văn Tông thường đến nơi ở của ông tại
Thập lục trạch, tìm cách dụ ông nói chuyện, xem như đó là trò vui, Văn Tông
cũng gọi ông là Quang thúc. Sau khi lên ngôi, Đường Vũ Tông, vốn là một người
vô lễ và không biết tôn ti, lại càng tỏ ra xem thường và thiếu tôn trọng đối với
Quang vương Lý Thầm.
Đường Vũ Tông nhìn thấy Lý Thầm bị mọi
người giễu cợt, thậm chí làm cho nhục nhã, nhưng vẫn không hề lên tiếng bênh vực
chút nào. Vũ Tông cho rằng Lý Thầm vốn không phải người đần độn, mà có tính nhẫn
nhục phi thường. Nhưng cũng bởi Lý Thầm có vai vế khá cao, nên Vũ Tông cảm thấy
có phần bất an trong lòng. Thế là, Đường Vũ Tông tìm đủ mọi cách thăm dò nội
tình, muốn xem Lý Thầm là giả ngây giả ngốc, hay thật sự là đần độn ngu si?
Trong những ngày tháng sau này, Đường Vũ
Tông thường bày trò chơi khăm Lý Thầm. Ông cho rằng như vậy có thể lật tẩy kẻ
giả ngốc giả ngây kia. Nhưng Lý Thầm vẫn không hề tỏ ra phản ứng khiến Vũ Tông
bối rối, cuối cùng Vũ Tông buộc phải giở ra thủ đoạn hiểm độc nhất: Ông lệnh
cho thân tín tìm cớ rồi cõng Lý Thầm đến nhà xí, đẩy ông ta xuống hố phân. Ông
cho rằng nếu như Lý Thầm không chết, thì dù có sống cũng chẳng còn mặt mũi nào
nhìn mặt mọi người nữa. May mắn Lý Thầm được một viên thái giám tên Thù Công Vũ
đi ngang qua, trong tâm động lòng thương xót, đã kéo ông ra khỏi hố phân, nếu
không dù không bị ngập chết, thì cũng bị đói chết. Thù Công Vũ còn giúp Lý Thầm
trốn thoát khỏi nơi thị phi này.
Tục ngữ có câu: “Đại nạn không chết, tất
có hậu phúc”. Lý Thầm cả đời nhẫn nhịn, âm thầm chịu khổ, về sau quả nhiên đã
thành tựu nghiệp lớn, trở thành bậc quân vương mẫu mực của triều đại nhà Đường.
Sinh thời, Đường Vũ Tông ra sức đàn áp tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật, gây nên
một vụ trấn áp lớn mà Phật giáo gọi là “Hội Xương diệt Pháp”. Đến cuối năm 845,
Đường Vũ Tông lâm bệnh nặng khi mới 30 tuổi và sang năm 846 thì qua đời. Người
đời sau cho rằng Đường Vũ Tông sớm băng hà là do quả báo của tội diệt Phậtvà
báng bổ Phật Pháp mà nên. Bấy giờ, hoạn quan khuynh đảo triều đình, muốn nhân
lúc rối ren mà lập người ngu dốt lên ngôi để dễ bề thao túng, cuối cùng đã quyết
định chọn “kẻ ngốc” Lý Thầm. Bọn hoạn quan làm giả chiếu chỉ của Vũ Tông, viết:
“Hoàng tử nhỏ tuổi, chưa đủ hiền đức để trị quốc. Quang vương Di có thể lập làm
Hoàng thái thúc, đổi tên là Thầm, đảm đương quân quốc chánh sự”.
Thái thúc được đón từ Thập lục trạch vào
cung, đổi tên là Lý Thầm. Khi được bách quan tiếp kiến, Lý Thầm như trở thành
con người khác, tỏ ra thông minh nhân trí hơn người, quyết đoán chính vụ nhanh
gọn, người người nể phục. Ngày 25 tháng 4 (năm Đinh Mão), Thái thúc tức vị, sử
xưng là Đường Tuyên Tông. Mẹ ông Trịnh thị nhờ vậy mà một bước trở thành Hoàng
Thái hậu, hoàn toàn ứng nghiệm với lời tiên đoán “sinh hạ Thiên tử” của vị thầy
tướng số năm xưa.
Sau khi Đường Tuyên Tông kế vị, ông đã
thi triển tài năng trị quốc của mình. Mọi người dần dần nhận thấy Lý Thầm là một
bậc kỳ tài trị quốc hiếm có, thuận theo chuyển dời của thời gian mà nhận được sự
tôn kính của mọi người. Ông đã bãi bỏ chính sách diệt Phật của Vũ Tông, chấm dứt
bức hại, kết thúc Pháp nạn của Phật giáo. Về phương diện trị quốc, ông cũng thực
hành chống tham nhũng, trừng trị tham quan, khiêm tốn tiếp nhận lời can gián,
biết nghe theo lời phải, thu phục các vùng đất bị Thổ Phiên chiếm đóng sau loạn
An Sử, đã làm ra rất nhiều việc tốt cho nước cho dân, triều đình và dân gian hết
lòng khen ngợi. Tư Mã Quang trong “Tự Trị Thông Giám” cũng không tiếc lời ca ngợi,
nói người dân cuối triều Đường đều khen ông là “Tiểu Thái Tông”. Thân mẫu của
ông là Trịnh thị, trong lịch sử cũng nhận được vinh hiển đáng nên có, sau khi
qua đời được ban tặng thụy hiệu là “Hiếu Minh Hoàng hậu”.
Nếu như Đường Thái Tông có Ngụy Trưng
không sợ chết dám nói lời can gián, thì Đường Tuyên Tông Lý Thầm lại có Ngụy Mô
– con cháu đời thứ năm của Ngụy Trưng. Lý Thầm giỏi về tiếp nhận lời can gián của
thần dân, ông còn thường xuyên đến chốn quan trường và dân gian âm thầm thị
sát. Khoảng thời gian Tuyên Tông trị vì là thời kỳ hưng thịnh thứ hai của triều
đại nhà Đường từ sau Đường Thái Tông, sử sách gọi là “Đại Trung chi trị”. Điều
này không tách khỏi việc thực thi cần kiệm trị quốc, hết lòng quan tâm đến đời
sống của muôn dân trăm họ, giảm thiểu sưu thuế, coi trọng tuyển chọn nhân tài của
Tuyên Tông.
Đúng là người tài trí giả ngây ngô đến
tuyệt đỉnh, không chỉ tránh được hiểm họa khôn lường mà còn làm nên nghiệp lớn.
Ngày nay, cuộc sống xô bồ bon chen, tranh giành lợi lộc, nhẫn nhịu chịu nhục,
không ghanh đua những thói tầm thường đúng là kẻ trí. Muốn làm nên nghiệp lớn
phải biết ẩn mình, càng ẩn sâu càng tốt, chờ thời làm nên nghiệp lớn phải như rồng
bay, lúc ẩn lúc hiện, thực mà hư hư mà thực.
Tổng hợp BCT
0 comments: