Sunday, January 14, 2018

MỘT SỐ THUẬT NGỮ CHÍNH TRỊ HỌC ĐẠI CƯƠNG


1. Chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, các quốc gia, các dân tộc, các lực lượng xã hội với vấn đề giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước, bản chất của chính trị là lợi ích. 
2. Chính trị học là một khoa học nghiên cứu chính trị như một chỉnh thể nhằm nhận thức và vận dụng những quy luật, tính quy luật chung thống nhất của chính trị - đặc biệt là quy luật về giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước – trong đời sống xã hội. 
3. Quyền lực là cái mà nhờ đó người khác phải phục tùng, là khả năng của một chủ thể buộc người khác phải phục tùng. Quyền lực là mối quan hệ giữa các chủ thể hành động trong đời sống xã hội – trong đó chủ thể này có thể chi phối hoặc buộc chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình nhờ có sức mạnh, vị thế náo đó trong quan hệ xã hội.
4. Quyền lực công cộng là loại quyền lực được nảy sinh từ một nhu cầu chung nào đó của cả cộng đồng xã hội (ý chí chung của cộng đồng), nhờ vậy mà xã hội có được tính tổ chức và trật tự.
5. Quyền lực chính trị là quyền lực của một hay của liên minh giai cấp, của một tập đoàn xã hội (hoặc của nhân dân lao động – trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội), nó nói lên khả năng thực tế của một giai cấp trong việc thực hiện ý chí của mình trong chính trị (và trong chuẩn mực pháp quyền), nhờ đó mà lợi ích khách quan của giai cấp được hiện thực hoá trong cuộc sống.
6. Quyền lực nhà nước là quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền được tổ chức dưới vỏ bọc công quyền (hay có thể nói cách khác, đó là hình thức biểu hiện quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền).
7. Cơ chế là khái niệm dùng để chỉ cách thức theo đó một quá trình thực hiện – đó là một hình thức tổ chức; kèm theo đó là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cả bộ máy, của từng bộ phận và từng cá nhân trong bộ máy đó để vận hành tiến tới đạt bằng được mục đích đã đề ra cho bộ máy đó.
8. Thể chế là những quy định, luật lệ, chuẩn mực có chức năng điều chỉnh, chế ước các quan hệ xã hội, các hành vi của các cấp độ chủ thể trong cấu trúc xã hội xác định.
9. Thể chế chính trị là hệ thống các định chế, các giá trị chuẩn mực hợp thành những nguyên tắc tổ chức và phương thức vận hành của một chế độ chính trị, là hình thức thể hiện các thành tố của hệ thống chính trị thuộc thượng tầng kiến trúc; là cơ sở chính trị - xã hội quy định tính chất, nội dung của chế độ xã hội nhằm bảo vệ quyền lực và lợi ích của giai cấp cầm quyền. 
10. Thể chế nhà nước là những nguyên tắc, chuẩn mực, quy phạm do các cơ quan nhà nước ban hành, quy định về những vấn đề chung nhất về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. 
11. Thể chế quân chủ tuyệt đối là thể chế chính trị mà ở đó toàn bộ quyền lực thuộc về nhà vua và quyền lực này được chuyển giao theo nguyên tắc “cha truyền – con nối”.
12. Thể chế quân chủ lập hiến là loại hình thể chế mà trong nhà nước vẫn tồn tại ngôi vua, nhưng có hiến pháp do nghị viện ban hành.
13. Thể chính trị tổ chức: Là chỉnh thể những tổ chức (thể chế các đảng phái chính trị, thể chế nhà nước, thể chế các tổ chức chính trị - xã hội) tham gia vào quá trình chính trị nhằm thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền trong xã hội.
14. Nghị viện là cơ quan dân biểu, ở đó cơ quan hành pháp và tư pháp hòa trộn lẫn nhau. Hệ thống nghị viện hoạt động theo nguyên tắc hợp nhất quyền lực, tất cả quyền lực tập trung trong tay quốc hội.
15. Thể chế cộng hoà là thể chế chính trị mà ở đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, chính quyền do nhân dân bầu ra. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” và tất cả quyền lực thuộc về các tập đoàn tư bản. 
16. Hệ thống chính trị là một chỉnh thể bao gồm các tổ chức như đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội (hợp pháp); với những quan hệ tác động qua lại giữa các nhân tố đó trong việc tham gia vào các quá trình hoạch định và thực thi các quyết sách chính trị nhằm bảo đảm quyền thống trị của giai cấp, lực lượng cầm quyền, đồng thời đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển xã hội. 
17. Đảng chính trị là một tổ chức chính trị thể hiện lợi ích của một giai cấp hay tầng lớp trong xã hội, liên kết nhiều đại biểu tích cực nhất của giai cấp hay tẩng lớp ấy, lãnh đạo họ đạt tới những mục đích và lý tưởng nhất định .
18. Tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức của những cộng đồng người trong cơ cấu xã hội dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ và thống nhất hoạt động. Tổ chức ấy lấy hoạt động chính trị - xã hội làm phương thức chủ yếu để tập hợp, tổ chức hành động của các thành viên nhằm gây ảnh hưởng với mức độ khác nhau đối với quyền lực chính trị và lợi ích của các thành viên trong tổ chức mình.
19. Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
20. Chính phủ Việt Nam là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
21. Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam là tổ chưc liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chín trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chinh trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.
22. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành của lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
23. Quyết sách chính trị là sự thể hiện xác định những nguyên tắc, phương hướng, mục tiêu chính trị chung nhất của cac chủ thể lãnh đạo chính trị (Đảng cầm quyền, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội) trong một giai đoạn lịch sử nào đó về một hoặc nhiều vấn đề trên các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội và được biểu hiện dưới các hình thức cương lĩnh, nghị quyết, chủ trương, chính sách. 
24. Cương lĩnh chính trị là văn kiện cơ bản xác định mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng giai cấp xã hội, phương pháp đấu tranh để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của chính đảng, nhà nước hoặc một tổ chức chính trị - xã hội trong một giai đoạn lịch sử nào đó.
25. Nghị quyết là một văn kiện cô đúc về nhận thức tình hình, quyết định những chủ trương, quan điểm, chính sách lớn về một hay nhiều lĩnh vực công tác của đảng. 
26. Chính sách là các chủ trương và biện pháp cụ thể của đảng cầm quyền, là chương trình hành động của nhà nước để giải quyết các vấn đề đặt ra trong các lĩnh vực của đời sống xã hội dựa trên quyết sách chính trị của đảng cầm quyền và tình hình thực tế mà đề ra.
27. Chính sách công là tổng thể chương trình hành động của nhà nước, nhằm giải quyết những vấn đề có tính cộng đồng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội theo phương thức nhất định nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. 
28. Hiến pháp là một đạo luật cơ bản do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành quy định chính thể mà nội dung cụ thể là xác định phương thức thành lập, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền các cơ quan nhà nước và cũng như mức độ tham gia của nhân dân vào việc tổ chức quyền lực nhà nước.
29. Văn hoá chính trị là một phương diện của văn hoá trong xã hội có giai cấp; là tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần – mà hạt nhân là các giá trị chính trị dân chủ, nhân văn, nhân đạo - được hình thành trong thực tiễn hoạt động chính trị của các giai cấp, các tập đoàn xã hội; nó là cái góp phần định hướng, chi phối hoạt động các tổ chức và con người chính trị trong quá trình thực hiện hoá những mục tiêu chính trị nhằm thực hiện lợi ích căn bản của một giai cấp nhất định, phù hợp với xu thê phát triển của lịch sử.
30. Tri thức chính trị là trình độ học vấn, sự hiểu biết và những kinh nghiệm thu nhận, tích luỹ trong quá trình tham gia các hoạt động chính trị của mỗi cá nhân.
31. Phát triển xã hội là sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội đến trình độ cao, tạo ra những điều kiện, nhân tố phủ định làm cho lịch sử tiến lên một hình thái xã hội cao hơn. 
32. Phát triển bền vững là sự phát triển bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ con người hiện nay và cả các thế hệ tương lai. 
33. Thủ lĩnh chính trị là người đứng đầu một tổ chức chính trị. Đó là nhân vật xuất sắc trong lĩnh vực hoạt động chính trị, xuất hiện trong những điều kiện lịch sử nhất định, có sự giác ngộ lợi ích, mục tiêu, lý tưởng giai cấp, có khả năng nắm bắt và sử dụng quy luật, có năng lực tổ chức và tập hợp quần chúng để giải quyết những nhiệm vụ chính trị do lịch sử đặt ra.
34. Chính trị quốc tế là nền chính trị được triển khai trên quy mô toàn thế giới, vượt khỏi phạm vi mỗi quốc gia, được hình thành bởi sự tương tác của các quốc gia dân tộc có chủ quyền, các nhà nước – dân tộc, các tổ chức quốc tế, các cường quốc. 
35. Tình huống chính trị là những sự kiện, biến cố không bình thường diễn ra trong đời sống chính trị - xã hội, gây  nên sự biến đổi đời sống chính trị  hoặc có khả năng trực tiếp gây nên sự bất ổn định chính trị - xã hội, đòi hỏi con người phải áp dụng những giải pháp đặc biệt để giải quyết.
36. Điểm nóng xã hội là đời sống xã hội trong trạng thái không bình thường, bất ổn định, rối loạn, diễn ra sự xung đột, chống đối giữa các lực lượng với những hành vi không còn tự kiềm chế được, đã vượt ra ngoài hoặc có khả năng vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật và chuẩn mực văn hoá đạo đức, diễn ra tại một địa điểm trong thời gian nhất định và có kh ả năng lan toả sang nơi khác. 
37. Điểm nóng chính trị - xã hội là điểm nóng diên ra trong lĩnh vực chính trị - xã hội khi mà sự chống đối của đám đông quần chúng đã hướng trực tiếp vào  những người nắm quyền lực chính trị, cơ quan quyền lực và thể chế chính sách của chính quyền nhà nước. 

Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: