Thursday, January 4, 2018

MỘT SỐ QUAN NIỆM VỀ QUYỀN LỰC

Chính trị học là khoa học đấu tranh giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị; quyền lực chính trị thuộc về ai? giai cấp nào? đảng phái nào sẽ quyết định hình thức tổ chức, chế độ thực thi quyền lực của xã hội?  Vấn đề “quyền lực chính trị” trở thành phạm trù cơ bản, giữ vị trí trung tâm trong hệ thống những khái niệm của Chính trị học. Vậy thế nào là quyền lực?

Quyền lực chính trị chỉ xuất hiện và tồn tại khi xã hội có sự phân chia thành giai cấp và đấu tranh giai cấp, còn trước đó, xã hội loài người không có khái niệm “quyền lực chính trị” mà chỉ tồn tại khái niệm “quyền lực” với ý nghĩa khái quát là sức mạnh. Quyền lực đã xuất hiện cùng với loài người được tổ chức thành xã hội và sẽ tồn tại cùng với đời sống xã hội. 
Trong khoa học chính trị, đến nay có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau về quyền lực. Theo cách tiếp cận vật lý, xuất phát từ sự tương tác giữa các sự vật, vật chất. Quyền lực được hiểu là cái vốn có của mọi sự vật có sức mạnh, là cái liên kết giữa các sự vật với nhau. Quan hệ quyền lực không chỉ là cái vốn có của xã hội loài người, mà còn là cái vốn có của thế giới tự nhiên.
Theo cách tiếp cận xuất phát từ lòng ham muốn của con người: ham muốn có sức mạnh chi phối người khác, chỉ huy người khác một cách vô hạn giống như ham tiền tài, vật chất, tinh thần...Hai tác giả tiêu biểu theo quan niệm này là B. Russel (1872-1970) – triết gia, nhà logic học người Anh và Max Weber (1864-1920) – nhà kinh tế chính trị học và xã hội học người Đức. Theo Russel cho rằng: “Lòng đam mê quyền lực và danh vọng là ước vọng vô hạn của con người – vì con trăn no mồi thì ngủ yên nhưng loài người thì khác. Vua Xezơ không thiếu của ngon vật lạ, cung tần mỹ nữ vào lúc ông ta lên đường đi viễn chinh Aten…”. Còn M.Weber cho rằng "ham muốn trở thành chủ thể quyền lực có tính phổ biến trong xã hội, do mức tự do hành động của chủ thể quyền lực rộng hơn khách thể (đối tượng) quyền lực hay cái được của chủ thể quyền lực lớn hơn đối tượng quyền lực".
Theo cách tiếp cận từ tôn giáo, thần học thì quyền lực gắn liền với "mệnh trời", "Ý chúa". Trong lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ đại "mệnh trời được coi là quyền lực tuyệt đối bao trùm thiên hạ";hay thời kỳ trung cổ phương Tây, khi nhà thờ có quyền lực cao hơn cả nhà nước thì các nhà thần học lại coi quyền lực tối cao là thượng đế, quyền lực thượng đế là thứ quyền lực đứng trên tất cả, thượng đế sáng tạo ra muôn loài, sắp đặt mọi trật tự thế giới.
Chủ nghĩa Mác – Lênin dựa trên cách tiếp cận từ phương thức sản xuất, trước hết từ lực lượng sản xuất trong một hình thái kinh tế xã hội để định nghĩa về quyền lực. Trong đnh nghĩa về giai cấp, V. L. Lênin đã chỉ ra rằng, giai cấp này có thể tước đoạt thành quả lao động của giai cấp khác nhờ có địa vị khác nhau trong hệ thống sản xuất do lịch sử quy định. Ở đây cho thấy quan hệ quyền lực không chỉ là quan hệ cá nhân mà còn là quan hệ giữa các giai cấp; giai cấp này có thể chi phối giai cấp khác là do có địa vị ưu thế trong hệ thống sản xuất xã hội. 
Dù quan niệm về quyền lực còn có những điểm khác nhau, nhưng đều có điểm thống nhất: quyền lực liên quan đến sức mạnh, sự ảnh hưởng, định hướng, kiểm soát, quản lý, thống trị...Từ những cách tiếp cận trên, có thể hiểu: Quyền lực là sức mạnh trong mối quan hệ giữa các chủ thể hành động trong đời sống xã hội – trong đó chủ thể này có thể chi phối hoặc buộc chủ thể khác (đối tượng) phục tùng ý chí của mình nhờ có sức mạnh (thể lực, tiền của, trí tuệ,…), vị thế nào đó trong quan hệ xã hội.
BCT

Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: